Có thể thấy rằng, không một quốc gia nào có thể có một lực lượng quân đội có quy mô tầm cỡ toàn cầu như Mỹ. Nhưng các căn cứ không quân và hải quân tại nhiều khu vực của Mỹ vẫn tiếp tục bị đe dọa bởi các loại tên lửa.
Không chỉ có vậy, các tàu chiến của Hải quân Mỹ chưa chắc có thể sống sót nếu bị hàng loạt tên lửa hành trình tấn công - loại vũ khí mà Trung Quốc đang có trong tay.
Hải quân Mỹ đang gặp khó khăn trước dàn tên lửa của Trung Quốc.
Kết quả là nhiều chuyên gia tin rằng Lầu Năm Góc cần phải xem xét lại hệ thống phòng thủ của mình, nếu không sẽ chịu tổn thất nghiêm trọng trong tương lai.
Và theo một báo cáo mới đây, giải pháp mà Mỹ đang có bao gồm các loại vũ khí laser, pháo điện từ có thể đối đầu với một số lượng tên lửa lớn cùng lúc ở tầm ngắn.
“Vào những năm cuối của Chiến tranh Lạnh, Lầu Năm Góc tin rằng sẽ không có quốc gia nào có thể dùng tên lửa tầm xa để đe dọa lực lượng vũ trang và các căn cứ của họ”, nhà phân tích Mark Gunzinger và Brian Clark viết, “Nhận định trên giờ đây đã không còn chính xác nữa”.
Báo cáo của Gunzinger và Clark không đề cập đến bất kỳ những giải pháp mới nào của các tham mưu quân sự Mỹ. Nga, Trung Quốc và Iran đã đầu tư rất nhiều để phát triển các loại tên lửa có thể tấn công căn cứ của Mỹ, và Bắc Kinh đang sản xuất ngày càng nhiều tên lửa tầm xa chính xác.
Không chỉ có vậy, ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương các căn cứ của Mỹ thường được cố định trên các đảo, thay vì có thể di chuyển tự do như ở châu Âu và Trung Đông.
Các tàu trên biển của Mỹ cũng phải đối đầu với mối đe dọa đến từ tên lửa.
Phần lớn các hệ thống phòng thủ tên lửa của Hải quân Mỹ đều được trang bị cho các tàu chiến lớn, ví dụ như tàu lớp Arleigh Burke với hệ thống Aegis, bao gồm các loại rađa, máy tính điều khiển và tên lửa phòng không như SM-2, SM-3 và SM-6.
Hệ thống phòng thủ này lại không thực sự hiệu quả khi đối phương phóng đồng loạt nhiều quả tên lửa cùng lúc.
Chúng chỉ phù hợp để tiêu diệt một số lượng nhỏ tên lửa ở tầm xa, và kích cỡ của chúng rất lớn và tiêu tốn nhiều ngân sách.
Một tàu chiến lớp Arleigh Burke có khoảng 90 tên lửa phòng không, tuy nhiên không phải tất cả trong số này đều có thể bắn trúng mục tiêu.
Trong báo cáo của mình, ông Gunzinger và Clark nói rằng tàu đối phương có thể phóng đi 32 tên lửa chống hạm, với chi phí thấp hơn 100 triệu USD, để hao mòn toàn bộ số tên lửa SM-6 có trị giá gấp 3 lần số đó và có độ chính xác vào khoảng 70% của một tàu Mỹ.
Đấy là chưa kể chi phí để chế tạo tàu chiến, khi nó tiêu tốn của Mỹ khoảng 2 tỉ USD một tàu. Chỉ một quả tên lửa thông thường cũng có thể đánh chìm hoặc hủy hoại các thiết bị quan trọng, khiến nó không thể hoạt động trong nhiều tháng.
Với việc phóng hàng loạt tên lửa chi phí rẻ, Trung Quốc có thể bào mòn những gì mà Hải quân Mỹ có.
Không chỉ có vậy, tên lửa Trung Quốc đang ngày càng trở nên thông minh hơn. Ví dụ, tên lửa Ỵ-18 là một loại tên lửa chống hạm lợi hại. Nó có tầm xa 290 hải lý với tốc độ Mach 0,8.
Nhưng một khi đến gần mục tiêu, nó tách một tầng động cơ và nhanh chóng tăng tốc lên thành Mach 2,5, vì vậy nó rất khó bị phát hiện và tiêu diệt.
Tuy nhiên, Mỹ có một cách để ngăn chặn các loại tên lửa của Trung Quốc, nhưng sẽ phải mất nhiều năm để có thể thực hiện.
Hai nhà phân tích Gunzinger và Clark đã đề xuất một số ý kiến về chiến thuật và công nghệ, cụ thể là các loại súng điện từ phóng đạn với vận tốc lớn, pháo laser và đạn định hướng.
Các loại vũ khí điện từ trường sẽ tiêu tốn nhiều chi phí để phát triển, do đó chúng có thể sẽ ít được sử dụng hơn các loại pháo laser tầm trung có thể khai hỏa tự do. Nếu được đưa vào sử dụng, trước mắt chúng có thể sẽ thay thế các loại tên lửa đánh chặn tầm ngắn.
Hiện tại, tàu chiến của Mỹ cũng được trang bị các loại vũ khí tầm gần để ngăn chặn tên lửa của đối phương như hệ thống Phalanx, tuy nhiên đây được coi là giải pháp chống đỡ nhất thời thay vì là một phương án phòng thủ hiệu quả thực sự.
Vũ khí la de là những loại mà ông Gunzinger và Clark khuyến khích phát triển, bởi các loại vũ khí laser chỉ phụ thuộc vào nguồn điện của tàu chiến và chi phí vận hành rất rẻ, đồng thời dễ dàng tiêu diệt nhiều tên lửa của đối phương.
Không chỉ tàu chiến, các căn cứ trên bộ cũng được bảo vệ một cách hiệu quả nếu chúng được đưa vào sử dụng.