Hãng thông tấn Reuters ngày 16/1 dẫn các nguồn tin độc quyền cho biết, Mỹ đã thông báo rõ ràng với Ấn Độ rằng, nước này khó có khả năng được miễn trừ lệnh trừng phạt khi mua hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 tiên tiến của Nga.
Động thái này nhiều khả năng sẽ làm gia tăng nguy Ấn Độ, một đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á, cũng sẽ bị áp đặt các lệnh trừng phạt tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ từng áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vì đã mua các hệ thống S-400 từ Nga.
Ấn Độ trước đó đã tiến hành một chiến dịch ngoại giao - quân sự rầm rộ để thuyết phục Chính quyền Tổng thống Donald Trump không áp dụng Đạo luật Chống lại Kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) với lý do việc mua S-400 là một "yêu cầu an ninh quốc gia khẩn cấp".
Một tên lửa phóng từ hệ thống S-400 tại căn cứ quân sự Ashuluk ở miền Nam nước Nga vào ngày 22/9/2020. Ảnh: AFP
Lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là một động thái quyết liệt và khá bất thường của Washington chống lại một quốc gia đồng minh theo hiệp ước. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ đã sử dụng CAATSA để trừng phạt một nước đồng minh của mình.
Ấn Độ đang vẫn “rất hy vọng” sẽ nhận được cơ chế “miễn trừ vì an ninh quốc gia” của chính quyền Joe Biden sắp tới khi xem xét tới đạo luật CAATSA.
Tuy nhiên, các nguồn tin của Reuters khẳng định quan điểm trên của Washington khó có thể thay đổi dưới thời chính quyền mới vì Tổng thống đắc cử Joe Biden đã cam kết thúc đẩy một cách tiếp cận thậm chí còn cứng rắn hơn đối với Nga.
New Delhi cho biết họ cần các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400 để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc. Ấn Độ và Trung Quốc đã đối đầu trực diện ở biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya kể từ tháng 4/2020, mức độ nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Ấn Độ cũng khẳng định quyền lựa chọn nguồn cung cấp quốc phòng của mình khi tuyên bố: “Ấn Độ và Mỹ có quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng có quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và đặc thù với Nga”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava phát biểu về đề xuất mua S-400.
“Ấn Độ luôn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập. Điều này cũng áp dụng cho các hoạt động mua sắm quốc phòng của chúng tôi dựa trên lợi ích an ninh quốc gia”.