Theo đó, ngày 15-7, khu trục hạm USS McFaul trang bị hệ thống điều phối hỏa lực Aegis thuộc biên chế Hạm đội 6 đã thực hiện đánh chặn tên lửa đạn đạo giả mục tiêu của đối phương bằng đạn tên lửa đánh chặn SM-6.
Đại diện Hạm đội 6 cho biết, vụ bắn thử tên lửa SM-6 không phải là một phần của cuộc tập trận Formidable Shield, nhưng là hoạt động cần thiết để nâng cao khả năng phối hợp giữa các lực lượng NATO trong điều kiện thực chiến.
Trước đó, hồi tháng 8-2017, khu trục hạm USS John Paul Jones cũng tiến hành vụ phóng thử thành công đạn tên lửa đánh chặn SM-6. Đây là một phần trong chương trình hoàn thiện tên lửa đánh chặn SM-6 trước khi được trang bị chính thức cho Hải quân Mỹ từ đầu những năm 2020.
Đạn tên lửa đánh chặn SM-6.
"SM-6 là dòng tên lửa duy nhất trên thế giới hiện nay có thể thực hiện các nhiệm vụ phòng không, chống tàu nổi và đánh chặn tên lửa ở giai đoạn cuối. Quá trình thử nghiệm SM-6 trên mặt đất đã hoàn thành trong tháng 6-2017 và cần thêm một số thử nghiệm trên biển trước khi được sản xuất hàng loạt", đại diện hãng chế tạo Raytheon, nơi phát triển đạn tên lửa SM-6, cho biết.
Đạn tên lửa SM-6 có thể đạt tầm bắn 240km, độ cao diệt mục tiêu 33km và tốc độ hành trình Mach 3.5 (trên 4.000km/giờ). Với thông số này, SM-6 được đánh giá là một trong những loại tên lửa đánh chặn số 1 thế giới hiện nay.
SM-6 được thiết kế với mục đích phòng không tầm xa cấp chiến thuật dành cho các tàu chiến của Mỹ để bảo vệ và mở rộng phạm vi chống lại tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái và máy bay chiến đấu của đối phương.
Điểm mạnh của SM-6 so với các phiên tiền nhiệm là đạn tên lửa nhỏ hơn và có thể ngăn chặn các mục tiêu bay sát mặt nước tốt hơn. Mới đây, Hải quân Mỹ từng thử nghiệm SM-6 với mục đích chống các loại tàu mặt nước cỡ nhỏ, xuồng cao tốc của đối phương. Giá thành của mỗi đạn tên lửa SM-6 ước khoảng từ 3-6 triệu USD.
Tuy mang nhiều tính năng ưu việt, nhưng nhiều chuyên gia quân sự Mỹ đang hoài nghi và coi SM-6 không phải dòng đạn tên lửa đánh chặn hiệu quả. Mặc dù, tính năng của đạn tên lửa SM-6 trong việc đánh chặn các dòng tên lửa đạn đạo tầm trung đã nhiều lần được khẳng định, nhưng vấn đề chính là giá thành của đạn tên lửa đánh chặn quá cao nên sẽ khó lòng triển khai ở quy mô lớn.
Điều này đặt ra việc nếu đối phương sử dụng số lượng lớn tên lửa đạn đạo rẻ tiền tấn công cường tập quy mô lớn, Hải quân Mỹ sẽ không có đủ nguồn lực để ngăn chặn.
"Việc triển khai số lượng lớn đạn tên lửa đánh chặn mới và các hệ thống phóng quá đắt đỏ. Trong khi đó, giá thành tên lửa tấn công lại ngày càng giảm.
Điều này giống như việc "hậu vệ" của chúng ta phải đối đầu với quá nhiều "tiền đạo" của đối phương", chuyên gia quân sự Harry Kazianis nói. Theo lời ông này, đạn tên lửa SM-6 không phải lựa chọn tối ưu cho lá chắn tên lửa hải quân của Mỹ.