Bà chính là Phạm Thị Hến, quê ở làng Tó, Tả Thanh Oai, Hà Nội. Khi còn trẻ, bà thường mò cua bắt hến bên bờ sông Nhuệ, sau thành hoàng hậu của vua, người dân làng thường gọi là Bà Chúa Hến.
Theo sách Việt sử những bất ngờ lý thú, năm 980, sau khi lên ngôi, vua Lê Đại Hành cầm quân lên phương Bắc để diệt giặc Tống lăm le xâm lược nước ta. Ông cùng quân ta đi đường thủy, theo dòng sông Nhuệ rồi qua làng Tó. Lúc đó, ông dừng lại ở làng để tiếp tế quân lương.
Vào giờ Ngọ, vua nhìn thấy một người con gái cùng gánh gạo trong đám nữ binh. Cô đội nón lá, mặc áo vải thô, mắt sáng, mày thanh, mặt xinh như ngọc, miệng cười tươi như hoa. Cô gái xinh đẹp hăng hái vận động dân làng bên sông đóng thuyền, góp gạo để làm đầy kho quân lương.
Trong phút nghỉ ngơi, cô xuống sông rửa tay, tóc búi tó. Nhìn thấy vóc dáng của người con gái, vua cho rằng, đó không phải người con gái tầm thường, rồi đem lòng thầm thương mến.
Sau khi đánh tan quân thù, đất nước hưởng cảnh thái bình. Nhớ về làng Tó, vua Lê Hoàn chọn ngày ngự giá Bắc tuần, thăm hỏi dân làng. Ngày về lại làng Tó, vua mời già trẻ trong ấp cùng đến dự yến. Nhận ra cô gái năm xưa, vua ban quần gấm áo ngự, phong danh Đô Hồ Quý phi. Bấy giờ dân làng ai nấy đều vui mừng, lấy làm vinh hiển. Vua Lê còn cấp 185 mẫu ruộng đất, tiền của để bà Phạm Thị Hến báo đáp dân làng.
Cũng theo sách Việt sử những bất ngờ lý thú, Đô Hồ Quý phi ngày ấy không muốn làm vợ vua. Tuy nhiên lệnh vua khó tránh, bà không thể khi quân nên chấp nhận.
Ở kinh đô Hoa Lư một thời gian, cha mất, bà đã xin về chịu tang. Sau 3 năm, vua Lê Đại Hành cho người đến đón nhưng cả 3 lần bà đều từ chối về cung làm vợ vua. Cuối cùng, vua phải đích thân đến làng đón. Biết khó từ chối, bà đưa ra ba điều kiện mới quyết định quay về.
Một là làm lễ lớn tế cha bà ba ngày trước khi đón dâu. Hai là lễ cưới phải tổ chức ngay tại làng Tó. Ba là địa vị của bà phải ngang hàng với bốn hoàng hậu của nhà vua. Khi nghe xong, vua Lê Đại Hành đồng ý tất cả. Ngay sau đó, bà đã được phong làm hoàng hậu.
Tiếc là, sau nhiều năm sinh sống bên vua, bà không thể sinh được người con nào. Buồn tủi, bà xin về quê sinh sống rồi mất tại quê nhà khi mới chỉ 37 tuổi. Dân làng lập đền thờ bà ngay tại quê nhà.
Hiện, đình làng Hoa Xá và Minh Ngự Lâu ở làng Tó, Tả Thanh Oai, Hà Nội chính là nơi thờ Bà Chúa Hến. Hằng năm, dân làng nơi đây vẫn tổ chức cúng giỗ bà. Tưởng nhớ công ơn của bà, dân địa phương còn tôn bà cùng với vua Lê Đại Hành làm Thành hoàng làng của địa phương.