Mỹ, Nga phản ứng trước bình luận của Tổng thống Brazil về xung đột Ukraine

Thùy Dương |

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã bị Mỹ chỉ trích vì những bình luận gần đây rằng phương Tây đã khuyến khích chiến tranh bằng cách trang bị vũ khí cho Ukraine, trong khi ông được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ca ngợi vì đề xuất đàm phán hòa bình.

Mỹ, Nga phản ứng trước bình luận của Tổng thống Brazil về xung đột Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva tại cuộc họp báo ở Brasilia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters ngày 18/4, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby đã cáo buộc ông Lula “bắt chước tuyên truyền của Nga và Trung Quốc mà không nhìn vào sự thật”.

Ông John Kirby nói những bình luận của Tổng thống Lula đơn giản là sai lầm khi cho rằng Mỹ, châu Âu không quan tâm đến hòa bình và phải cùng trách nhiệm về cuộc xung đột.

Từ trước tới nay, Tổng thống Lula đã luôn tự xây dựng hình ảnh của mình là người trung gian đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột Ukraine. Đề xuất đó dựa trên truyền thống ngoại giao cởi mở và không can thiệp của Brazil.

Nhưng Tổng thống Lula đã khiến nhiều người ở phương Tây tức giận với những bình luận vào cuối tuần qua khi kêu gọi các nước phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho cuộc xung đột này.

Ông Lula đưa ra bình luận trên ngay sau khi ông trở về từ Trung Quốc, nơi ông đã thảo luận vấn đề này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cụ thể, ông Lula nói ngày 15/4 trong bài phát biểu trước các phóng viên: “Mỹ cần ngừng khuyến khích chiến tranh và bắt đầu nói về hòa bình”.

Ông cũng kêu gọi một nhóm quốc gia không tham gia vào cuộc xung đột tìm cách đưa Nga và Ukraine vào các cuộc đàm phán hòa bình.

Ông khẳng định: “Nhưng chúng ta cũng phải nói chuyện với Mỹ và Liên minh châu Âu. Chúng ta phải thuyết phục mọi người rằng hòa bình chính là đường hướng”.

Về phần mình, trong chuyến thăm Brasilia, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã gặp Tổng thống Lula và cảm ơn Brazil vì những nỗ lực giải quyết xung đột. Ông Lavrov nói với các phóng viên ở Brasilia ngày 17/4 rằng Nga biết ơn những người bạn Brazil vì họ đã hiểu rõ nguồn gốc của tình hình.

Trước đó, ngày 16/4, Tổng thống Brazil cho biết ông đã thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) về khả năng làm trung gian hòa giải cho xung đột giữa Nga và Ukraine.

Theo hãng tin AFP, Tổng thống Lula cho rằng hai nước này cũng như những nước khác nên tham gia vào một "G20 chính trị" để nhanh chóng tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Phát biểu với báo giới tại Abu Dhabi, ông Lula cho rằng hai bên tham chiến đều không đưa ra sáng kiến gì để ngăn chặn xung đột, trong khi phương Tây tiếp tục hỗ trợ để xung đột tiếp diễn. Do vậy, các bên cần ngồi vào bàn đàm phán và tìm giải pháp chấm dứt tình trạng này.

Tổng thống Lula cho biết ông đã thảo luận với Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc thành lập một nhóm các quốc gia làm trung gian hòa giải, theo kiểu nhóm G20. Ở thời điểm hiện tại, điều quan trọng là tạo ra một G20 kiểu khác để chấm dứt cuộc chiến này và thiết lập hòa bình. Nhà lãnh đạo Brazil cho biết ông đã thảo luận về sáng kiến của mình với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và lãnh đạo một số quốc gia Nam Mỹ.

Cho đến nay, trong số các quốc gia phương Tây, chỉ có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoan nghênh sáng kiến hòa bình của Tổng thống Lula. Lời kêu gọi ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine của nhà lãnh đạo Brazil đã không được hầu hết các nhà ngoại giao ủng hộ.

Liên minh châu Âu cũng bác bỏ đề xuất của Tổng thống Lula rằng cả Ukraine và Nga đều phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột.

Đầu năm nay, ông Lula đã từ chối cung cấp đạn dược cho Ukraine theo yêu cầu của Đức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại