Mỹ lo vũ trụ trở thành 'miền tây hoang dã', nhưng Trung Quốc nghĩ khác

Bình Giang |

Trung Quốc có thể sẽ bỏ ngoài tai kêu gọi của Mỹ về việc đề ra quy định quản lý những hành vi trong vũ trụ, vì Bắc Kinh coi đó là việc hợp pháp hóa hoạt động quân sự hóa vũ trụ, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc gia tăng.

Không gian vũ trụ đang là môi trường cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc. (Ảnh minh hoạ)

Không gian vũ trụ đang là môi trường cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc. (Ảnh minh hoạ)

Tuần qua có thông tin tiết lộ rằng vào tháng 7 năm nay, một vệ tinh giám sát của Mỹ đã đến gần một vệ tinh của Trung Quốc trên quỹ đạo, sau đó nhanh chóng rời đi để tránh bị bám đuôi.

Vụ việc là một ví dụ nữa cho thấy những nỗ lực gián điệp và phản gián giữa các cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc trên không gian vũ trụ, gây quan ngại nguy cơ xảy ra va chạm thảm khốc trên vũ trụ tăng lên cùng với cuộc đua trong không gian.

Thỏa thuận quốc tế duy nhất hiện có về lĩnh vực này là Hiệp ước Không gian vũ trụ năm 1967, trong đó cấm các quốc gia đưa vũ khí hạt nhân và những vũ khí hủy diệt hàng loạt khác vào vũ trụ hay những thiên thể như Mặt trăng. Hiệp ước này hướng đến sử dụng không gian vũ trụ vì lợi ích của toàn nhân loại, nhưng thiếu quy định cụ thể và hạn chế hoạt động quân sự.

Mỹ hiện đang kêu gọi xây dựng một bộ quy tắc ứng xử quốc tế trong không gian vũ trụ, tương tự thỏa thuận phòng ngừa sự cố trên biển mà Mỹ và Liên Xô đạt được năm 1972.

John Raymond, chỉ huy Bộ Tư lệnh vũ trụ Mỹ, gọi không gian vũ trụ hiện nay là "miền tây hoang dã", khi ngày càng nhiều quốc gia đưa phương tiện quân sự và thương mại lên.

"Chúng tôi thực sự tin rằng cần phải có một số quy tắc hành xử chuyên nghiệp và an toàn. Tôi nghĩ các đồng minh và đối tác của chúng tôi cũng nghĩ như vậy", ông Raymond nói trong phát biểu đầu năm nay.

Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga có suy nghĩ khác về các quy tắc.

Năm 2014, hai nước đề xuất luật cấm có tính ràng buộc pháp lý đối với việc sử dụng vũ khí trong không gian.

Về kỹ thuật, việc đề ra những quy tắc về hoạt động quân sự trong vũ trụ nghĩa là sẽ cho phép những hoạt động đó diễn ra. Điều này đi ngược lại quan điểm chính thức của Trung Quốc về việc không vũ khí hóa không gian vũ trụ, nhà bình luận quân sự Song Zhongping ở Trung Quốc cho biết.

"Có thể lập ra một thỏa thuận quốc tế về quản lý rác thải vũ trụ, cơ chế báo cáo và cảnh báo sớm để bảo vệ tài sản vũ trụ của nhau", ông Song nói.

Bắc Kinh cáo buộc Mỹ thường xuyên do thám vệ tinh của nước khác ở cự ly gần và có những hoạt động mạo hiểm trên quỹ đạo, can thiệp vào hoạt động bình thường, đe dọa tài sản vũ trụ của các nước khác, làm gia tăng rủi ro xảy ra tính toán sai lầm và xung đột.

Còn Mỹ lên án Trung Quốc thực hiện những vụ thử tên lửa đạn đạo chống vệ tinh, chất vấn việc Trung Quốc phát triển những công nghệ như tàu vũ trụ có cánh tay robot có thể chụp rác vũ trụ và cả vệ tinh của nước khác trong quỹ đạo.

GS He Qisong, công tác tại ĐH Luật và Khoa học chính trị Thượng Hải, cho rằng dù Hiệp ước Không gian vũ trụ định nghĩa vũ trụ là "tài sản toàn cầu", nhưng không gian vũ trụ hiện nay đầy rác, quá đông tàu vũ trụ, vệ tinh và bị thống trị bởi những lợi ích vị kỷ của các cường quốc vũ trụ.

"Nguyên nhân chính gây khó khăn cho quản trị vũ trụ là các công nghệ vũ trụ có thể sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự", ông He viết trong một bài báo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại