Mỹ "không có bạn, chỉ có kẻ thù"?

LỤC SAN |

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nga sẽ diễn ra tại thủ đô Helsinki của Phần Lan ngày 16-7.

Liên minh châu Âu (EU) đang lo lắng về sự ổn định lâu dài trong mối quan hệ giữa khối này và Mỹ, nhất là khi Washington thời chính quyền Tổng thống Donald Trump được cho là đang theo đuổi học thuyết mới: "Không có bạn, chỉ có kẻ thù".

Chuẩn bị tình huống xấu nhất

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhận định mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang chịu sức ép nặng nề từ chính sách của ông chủ Nhà Trắng. Theo ông Tusk, EU phải chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất khi hai bên không chỉ chia rẽ trong lĩnh vực thương mại.

Ông Tusk đưa ra cảnh báo này trước khi tham gia thảo luận với nhà lãnh đạo 28 nước thành viên EU tại cuộc họp ở thủ đô Brussels - Bỉ ngày 28-6 về nhiều vấn đề, trong đó có cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Ngoài tranh cãi về thuế quan, chính phủ Mỹ thời ông Trump và EU còn bất đồng về một loạt vấn đề khác, như thỏa thuận hạt nhân Iran, biến đổi khí hậu…, dẫn đến nỗi lo sự thay đổi thái độ của Washington có thể kéo dài ngay cả sau khi Nhà Trắng đổi chủ.

"Chúng tôi ngày càng quan ngại rằng đó không chỉ là các sự kiện cá biệt mà giống như khuôn mẫu của một học thuyết Mỹ, theo đó không có bạn bè, chỉ có kẻ thù" - một quan chức EU cao cấp nói với tờ The Guardian.

Trong bài phát biểu ở thủ đô London - Anh cùng ngày, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg bày tỏ hy vọng liên minh này vẫn tiếp tục đoàn kết bất chấp những lời đe dọa từ ông Trump. Ông thừa nhận giữa Mỹ và các đồng minh thật sự đang có khác biệt và mâu thuẫn nhưng cho rằng NATO có thể vượt qua rắc rối như đã từng làm được trong quá khứ.

Phát biểu trên của ông Stoltenberg được đưa ra không lâu trước khi Hội nghị Thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra ở Brussels trong 2 ngày 11 và 12-7. Sự kiện này được dự báo là sẽ diễn ra trong bầu không khí căng thẳng sau khi Tổng thống Trump công khai xung đột với Đức và Canada về thương mại và các vấn đề khác.

Thêm vào đó, ông chủ Nhà Trắng còn cảnh báo sẽ cứng rắn với những thành viên NATO nào từ chối tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP như đã cam kết.

Thượng đỉnh "biểu tượng" Mỹ - Nga

Chưa hết, thông tin Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nga sẽ diễn ra tại thủ đô Helsinki của Phần Lan ngày 16-7 khiến các đồng minh của Washington ở châu Âu thêm lo ngại về chính sách đối ngoại của ông Trump.

Có mặt ở Moscow để chuẩn bị cho một cuộc gặp như thế, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton hôm 27-6 cho rằng bản thân sự kiện này diễn ra đã là một thành tựu và hai bên có nhiều vấn đề cần bàn luận.

Cùng ngày, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence kỳ vọng cuộc gặp nói trên sẽ tập trung bàn những chủ đề nóng như quan hệ kinh tế song phương, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử ở Mỹ, tình hình Ukraine và Syria…

Hãng tin AP nhận định cuộc gặp này sẽ là cơ hội để Tổng thống Nga Vladimir Putin thuyết phục Washington dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow liên quan đến tình hình Ukraine và cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, một số nhà phân tích dự báo cuộc gặp đáng chú ý này ít có khả năng mang lại kết quả cụ thể nào.

Ông Eugene Chausovsky, nhà phân tích của Công ty Tình báo địa chính trị Stratfor, nói với đài CNBC rằng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên ở Singapore hôm 12-6 chủ yếu mang tính biểu tượng và ông Trump đang tìm cách làm điều tương tự bằng cách thúc đẩy cuộc gặp với ông chủ Điện Kremlin.

"Vấn đề là liệu Mỹ có muốn và có thể đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào với Nga hay không" - ông Chausovsky giải thích, đồng thời nói rằng ông Trump từng tỏ ra sẵn sàng dỡ bỏ trừng phạt Moscow nhưng vẫn không qua được ải quốc hội Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại