Mỹ duy trì hoạt động gần 20 căn cứ quân sự ở Syria để làm gì?

Minh Thu |

Chuyên gia Nga nhận định, Mỹ hiện duy trì hoạt động của gần 20 căn cứ quân sự ở Syria cũng như 22 cứ điểm khác tại các nước láng giềng của quốc gia Trung Đông là nhằm hỗ trợ cho phe đối lập và duy trì ảnh hưởng quân sự cũng như chính trị ở Syria.

Giáo sư Vladimir Kozin tại Trung tâm Nghiên cứu Quân sự và Chính trị thuộc Viện Các mối quan hệ quốc tế của Nga chia sẻ với Sputnik rằng, Mỹ đã triển khai 19 căn cứ quân sự ở Syria và 22 căn cứ khác tại các nước láng giềng của quốc gia Trung Đông để phục vụ công tác huấn luyện cũng như hỗ trợ vũ khí cho lực lượng phiến quân nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar Assad.

“Lầu Năm Góc đã triển khai 19 căn cứ và cứ điểm quân sự tại Syria cùng 22 căn cứ quân sự khác ở các nước láng giềng gần Syria nhằm đảm bảo hoạt động cung cấp vũ khí, đạn dược, nhiên liệu và thực phẩm cho các tay súng phiến quân”, ông Kozin nói.

Theo ông Kozin, căn cứ quân sự của Mỹ ở thị trấn Al-Tanf, phía nam Syria là một thí dụ điển hình. Vùng không phận phía trên Al-Tanf cũng như khu vực 30 dặm quanh thị trấn này đã bị Mỹ phong tỏa bất chấp chính quyền Damascus không đồng thuận.

Cũng theo ông Kozin, hành động hỗ trợ trực tiếp cho các tay súng phiến quân Syria mà Mỹ đang tiến hành đã đi ngược lại với các quy định và thỏa thuận trong vùng hạ nhiệt căng thẳng ở Syria. Ngoài ra, việc Washington tiếp tục hỗ trợ cho các tay súng phiến quân Syria là nhằm bảo đảm tầm ảnh hưởng của Mỹ trên mặt trận chính trị và quân sự ở Syria vẫn được duy trì.

Tuy nhiên, việc làm của Mỹ lại khiến cuộc nội chiến Syria bùng nổ từ năm 2011 không thể đi tới hồi kết cũng như làm đóng băng tiến trình chính trị tại quốc gia Trung Đông này.

Chuyên gia Kozin nhấn mạnh thêm, các nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và Mặt trận al-Nusra còn đang cố tình gây chia rẽ khiến các nhóm đối lập ôn hòa tấn công lẫn nhau và từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền hòa bình ở vùng hạ nhiệt căng thẳng phía tây nam.

“Mối quan hệ giữa các nhóm vũ trang hoạt động phi pháp ở Syria được thể hiện rõ nét trong cuộc chiến tranh giành tầm ảnh hưởng ở vùng hạ nhiệt căng thẳng cũng như làm bùng phát các cuộc đụng độ trực tiếp", ông Kozin nhận định.

"Các thủ lĩnh của Quân đội Syria Tự do (FSA) và Ahrar al-Sham được cho có ý định tái hòa hợp với chính phủ Syria cũng như chuyển giao các vùng lãnh thổ kiểm soát cho chính quyền Damascus. Tuy nhiên, các thủ lĩnh của Mặt trận al-Nusra và IS lại từ chối đối thoại và tiếp tục gia tăng sức ép với những phe đối lập ôn hòa khác nhằm làm chậm tiến trình hòa giải ở Syria”.

Ông Kozin cũng cho hay ở vùng hạ nhiệt căng thẳng phía tây nam bao gồm khu vực các tay súng khủng bố nắm quyền kiểm soát như As Suwayda, Al Qunaitra và Daraa, 4 nhóm phiến quân lớn nhất cũng đã có tới 12.000 tay súng.

“Nhóm đầu tiên là FSA với hơn 20 đơn vị và 7.000 tay súng. FSA được Israel hậu thuẫn. Cộng đồng quốc tế xem FSA là nhóm vũ trang đối lập ở Syria và lực lượng này có lúc hoạt động như phe đối lập ôn hòa nhưng có lúc lại không. Hiện FSA kiểm soát từ 34 – 40% diện tích tại vùng hạ nhiệt căng thẳng phía tây nam Syria”, ông Kozin chia sẻ.

Trong khi đó, nhóm thứ hai là Mặt trận Al-Nusra có tới 20 đơn vị và khoảng 3.500 tay súng. Mặt trận Al-Nusra được Ả Rập Xê-út và Qatar hậu thuẫn nhưng bị cộng đồng quốc tế xem là lực lượng khủng bố. Mặt trận Al-Nusra hiện chiếm quyền kiểm soát khoảng 15% diện tích tại vùng hạ nhiệt căng thẳng phía tây nam Syria.

Trong khi nhóm thứ ba là IS với 1.500 thành viên đang hoạt động ở vùng hạ nhiệt căng thẳng phía tây nam Syria. IS cũng đang chiếm quyền kiểm soát 15% diện tích khu vực này.

Nhóm cuối cùng là Ahrar al-Sham. Lực lượng này có 5 đơn vị với 800 tay súng. Ahrar al-Sham tập hợp các thành viên vốn là người ở địa phương và tuyên bố hoạt động độc lập mà không liên minh với nhóm hội nào khác.

Ahrar al-Sham hiện kiểm soát 10% diện tích vùng hạ nhiệt căng thẳng phía tây nam Syria.

Về phần mình, Mỹ đã nhiều lần lên tiếng khẳng định chỉ hỗ trợ cho các nhóm vũ trang ôn hòa ở Syria chứ không phải là các tay súng khủng bố như IS.

Chương trình hỗ trợ vũ khí và đào tạo của Mỹ hiện chỉ được giới hạn cho một số nhóm đối lập ở Syria.

Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh chương trình cung cấp vũ khí cho các nhóm đối lập ôn hòa ở Syria thay đổi theo từng nhiệm vụ nhất định. Song không ít báo cáo khẳng định phần lớn vũ khí Mỹ cung cấp cho phe đối lập Syria đã rơi vào tay khủng bố như IS và Mặt trận Al-Nusra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại