Mỹ "đón đầu" Trung Quốc

XUÂN MAI |

Trung Quốc đang tìm cách thiết lập quan hệ quân sự ở Thái Bình Dương trong khi Mỹ cam kết cung cấp thêm nguồn lực ngoại giao và an ninh cho khu vực

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp các lãnh đạo Fiji tại Nadi - Fiji hôm 12-2 Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp các lãnh đạo Fiji tại Nadi - Fiji hôm 12-2 Ảnh: REUTERS

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết thúc đẩy Mỹ tham gia sâu hơn vào Ấn Độ - Thái Bình Dương trong chiến lược mới công bố hôm 11-2, nhấn mạnh sự tự do và rộng mở ở khu vực này là vô cùng quan trọng đối với lợi ích của Mỹ.

Tài liệu dài 12 trang được công bố trong năm thứ 2 của nhiệm kỳ Tổng thống Biden chỉ ra việc Mỹ tăng cường tập trung vào khu vực một phần để chống lại hành động "cưỡng ép và gây hấn" của Trung Quốc.

Theo tờ Straits Times, ông Joe Biden là tổng thống Mỹ thứ 3 trong những thập kỷ gần đây cam kết tập trung nhiều hơn vào Ấn Độ - Thái Bình Dương sau 2 người tiền nhiệm Barack Obama và Donald Trump.

Theo chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của ông Biden, Mỹ sẽ khởi động khuôn khổ kinh tế cho khu vực vào đầu năm nay, phát triển cách tiếp cận mới với thương mại, các nguyên tắc cho nền kinh tế số và luồng dữ liệu xuyên biên giới, đồng thời củng cố chuỗi cung ứng.

Chiến lược cũng tìm cách tăng cường an ninh thông qua việc tăng cường các mối quan hệ của Mỹ trong và ngoài khu vực. Chiến lược kêu gọi tăng cường hiệp ước liên minh với Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan, đồng thời nâng cao quan hệ đối tác với các đối tác hàng đầu trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Singapore…

Theo chiến lược mới, Mỹ sẽ đầu tư thêm vào xây dựng năng lực hàng hải, tăng cường sự hiện diện và hợp tác của lực lượng tuần duyên Mỹ ở Đông Nam Á, Nam Á và các đảo Thái Bình Dương. Mỹ cũng sẽ đầu tư vào các tổ chức khu vực, bao gồm ASEAN và quan hệ đối tác Bộ Tứ (nhóm Quad, gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản).

Chiến lược của chính quyền ông Biden cũng kêu gọi gắn kết các nước Ấn Độ - Thái Bình Dương và châu Âu theo những cách thức mới, như thông qua hiệp ước an ninh AUKUS giữa Úc, Anh và Mỹ. Chiến lược cam kết hỗ trợ khu vực chống biến đổi khí hậu và phục hồi sau đại dịch Covid-19 cũng như chống lại các mối đe dọa xuyên biên giới khác.

Một quan chức chính quyền cấp cao Mỹ hôm 11-2 cho rằng chính quyền Tổng thống Biden muốn đóng vai trò tích cực ở Ấn Độ - Thái Bình Dương thay vì chỉ xem đây là một đấu trường giữa các siêu cường. Ông Zack Cooper, thành viên cấp cao của Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định chiến lược là cách tiếp cận đúng đắn khi cho thấy một tầm nhìn tích cực của Mỹ và ít tập trung hơn vào Trung Quốc.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao Mỹ hôm 12-2 cho biết Trung Quốc đang tìm cách thiết lập các mối quan hệ quân sự ở Thái Bình Dương trong bối cảnh Mỹ cam kết cung cấp thêm các nguồn lực ngoại giao và an ninh cho khu vực, gồm việc mở đại sứ quán tại quần đảo Solomon.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến thông báo kế hoạch mở đại sứ quán tại Solomon trong chuyến thăm Fiji, nơi ông chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với 18 nhà lãnh đạo Thái Bình Dương.

Ông Blinken đến Fiji sau cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao của nhóm Bộ Tứ ở TP Melbourne - Úc với cam kết hợp tác sâu rộng hơn để bảo đảm một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương không bị "cưỡng ép". Tại cuộc họp, bộ trưởng ngoại giao 4 nước cam kết tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, các mối đe dọa an ninh mạng và chống khủng bố.

Theo Reuters, chính quyền ông Biden muốn cho thế giới thấy trọng tâm chiến lược dài hạn của Mỹ vẫn đặt ở châu Á - Thái Bình Dương, bất chấp khủng hoảng ở một số khu vực khác trên thế giới.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại