Tuyên bố này được đưa ra sau khi Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell tuyên bố Washington sẽ rút quân khỏi Đức, đưa đến Ba Lan nếu Berlin không nâng mức chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP theo thỏa thuận của NATO.
“Thật xúc phạm khi người nộp thuế Mỹ phải tiếp tục chi trả cho hơn 50.000 lính Mỹ đồn trú tại Đức còn người Đức dùng thặng dư thương mại của họ cho các mục đích trong nước”, ông Grenell nói trong cuộc phỏng vấn với hãng tin DPA.
Vị Đại sứ Mỹ khẳng định đây là lúc Berlin tự trả chi phí quốc phòng của mình và Mỹ cần hành động để đảm bảo điều này được thực hiện.
Các nghị sỹ Đức tỏ ra hết sức giận dữ trước lời đe dọa này, khẳng định Berlin có thể sử dụng tối hậu thư trên như một cơ hội để thúc đẩy Mỹ rút toàn bộ số vũ khí hạt nhân mà Mỹ đang lưu trữ "nhờ" ra khỏi đất Đức.
"Đại sứ Mỹ nói đúng: Người nộp thuế Mỹ không cần phải chi trả cho quân đội Mỹ đồn trú tại Đức. Bất cứ quá trình rút quân nào cũng nên được hoàn thành đầy đủ. Nếu Mỹ rút lính của họ về, họ cũng phải rút luôn số vũ khí hạt nhân của mình", nghị sĩ đảng cánh tả Dietmar Bartsch nhấn mạnh.
"Và tất nhiên, những thứ này phải được mang về nước chứ không phải được đưa tới Ba Lan vì nó sẽ làm leo thang hơn nữa mối quan hệ của chúng tôi với Nga, điều không phục vụ lợi ích của châu Âu và Đức", ông này nói thêm.
Trong bản báo cáo dự thảo trình lên Ủy ban Phòng thủ và an ninh của Nghị viện NATO, một nghị sĩ Canada tiết lộ Mỹ đang lưu trữ 150 vũ khí hạt nhân tại Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nghị sĩ Đức Klaus Ernst, Trưởng ủy ban Năng lượng và các vấn đề Kinh tế thuộc Quốc hội Đức chỉ trích tuyên bố của ông Grenell là "không thể chấp nhận", nói rằng Đức “không phải là thuộc địa của Mỹ” nên Washington không có quyền can thiệp vào vấn đề nội bộ.
Tổng Thư ký Đảng Dân chủ xã hội Đức Lars Klingbeil trong khi đó cáo buộc Đại sứ Mỹ đang tìm cách bắt nạt Berlin và khẳng định sẽ không để người Mỹ tống tiền.
Bất hòa giữa Berlin và Washington bắt đầu nối dài sau hàng loạt các chỉ trích của Tổng thống Trump kể từ khi ông lên nắm quyền liên quan tới đóng góp của Đức cho ngân sách quốc phòng của NATO. Berlin gần đây cũng từ chối lời kêu gọi tham gia vào liên minh hàng hải trên vịnh Ba Tư nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ Iran của Mỹ.