Mỹ đặt cược vào công nghệ hút CO2 khỏi không khí

Anh Thư |

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đặt cược vào công nghệ loại bỏ CO2 khỏi không khí để giúp ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Theo trang Bloomberg hôm 10-8, một quỹ trị giá 3,5 tỉ USD đã được dành cho việc phát triển loại máy móc để làm công việc nói trên. Các dự án được đề xuất bởi Tập đoàn Dầu khí Occidental (bang Texas - Mỹ) và Công ty khởi nghiệp Climeworks (Thụy Sĩ) được xem là ứng viên hàng đầu cho các khoản tài trợ đầu tiên (khoảng 1,2 tỉ USD).

Công nghệ thu giữ khí trực tiếp (DAC) liên quan việc sử dụng máy móc để hút CO2 ra khỏi không khí xung quanh và lưu trữ nó bằng nhiều kỹ thuật. Climeworks vận hành nhà máy DAC lớn nhất thế giới ở Iceland với công suất thu giữ 4.000 tấn CO2 hằng năm, tương đương với vài giây thải CO2 của nhân loại. Công ty hiện đầu tư cho nhà máy có công suất xử lý 36.000 tấn CO2 mỗi năm. Nhiều công ty khởi nghiệp đang có ý tưởng tương tự, nhưng trở ngại lớn nhất là công nghệ DAC tốn kém và đòi hỏi nhiều năng lượng vận hành.

Mỹ đặt cược vào công nghệ hút CO2 khỏi không khí - Ảnh 1.

Cảnh quan bị tàn phá do cháy rừng của thị trấn Lahaina, bang Hawaii - Mỹ hôm 10-8. Ảnh: REUTERS

Theo Bloomberg, thế giới sẽ cần những công nghệ như DAC được mở rộng nhanh chóng trong những thập kỷ tới. Theo các nhà khoa học, để đạt được mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, thế giới cần loại bỏ hàng tỉ tấn carbon khỏi không khí mỗi năm vào giữa thế kỷ này. Trước mắt, ngành công nghiệp này cần thu được 1 triệu tấn CO2 mỗi năm vào năm 2030.

Bà Sasha Stashwick, Giám đốc chính sách của Tổ chức Môi trường Carbon180 (Mỹ), cho biết hiện có khoảng 18 dự án thu giữ khí trực tiếp hoạt động khắp thế giới. Tuy nhiên, các dự án được Bộ Năng lượng Mỹ lựa chọn tài trợ sẽ là dự án quy mô thương mại đầu tiên ở nước này.

Bước đi trên diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang chứng kiến thảm họa cháy rừng nghiêm trọng ở bang Hawaii, khiến ít nhất 55 người thiệt mạng tính đến ngày 11-8. Theo chuyên gia Abby Frazier, nhà khí hậu học từ Trường ĐH Clack (Mỹ), Hawaii biến thành mồi lửa do biến đổi khí hậu khiến La Nina suy yếu, lượng mưa ngày càng ít. Gần 16% diện tích hạt Maui, nơi cháy rừng hoành hành, đang trong tình trạng hạn hán nghiêm trọng, 20% khác ở mức hạn hán vừa phải, khiến thảm thực vật khô khốc. Nhiều loại cây trồng và thảm thực vật bản địa bị thay bằng cỏ khô xâm lấn rất dễ bén lửa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại