Mỹ có thể dự trữ ít hơn?
Lầu Năm Góc đang đánh giá lại kho dự trữ tên lửa, đạn pháo và các loại vũ khí khác của Mỹ trong bối cảnh số lượng lớn các khí tài này đã được viện trợ cho Ukraine sử dụng trong cuộc xung đột với Nga hiện nay.
Mỹ có thể cần giữ ít đạn dược trong kho dự trữ của mình hơn trước vì Nga đã sử dụng quá nhiều vũ khí của họ trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine .
Binh sỹ Ukraine khai hỏa lựu pháo do Mỹ cung cấp. Ảnh: AP
Các quan chức quân sự và giám đốc điều hành các công ty quốc phòng cho biết, số lượng lớn vũ khí mà Washington viện trợ cho Kiev kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát đã làm cạn kiệt kho dự trữ vũ khí và đạn pháo của Mỹ. Điều này cũng phơi bày tình trạng đầu tư chưa tương xứng trong nhiều năm qua vào việc sản xuất và mua sắm vũ khí. Lầu Năm Góc muốn đảo ngược tình thế này.
Theo các nhà thầu quốc phòng, tình trạng thiếu lao động, dây chuyền sản xuất lỗi thời, các vấn đề về chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine khiến Mỹ mất nhiều năm để bắt kịp nhu cầu. Việc mua sắm vũ khí của Lầu Năm Góc trong thập kỷ qua cũng rất thất thường. Các hệ thống vũ khí mới thường giành chiến thắng trong các cuộc tranh cãi về ngân sách đối với đạn dược.
Ông Bill LaPlante, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách mua sắm cho hay, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tạo cơ hội để giải quyết những thách thức nêu trên.
"Cần phải có một môi trường chính trị gần giống như chúng ta đang có hiện nay, để mọi người thấy được sự cấp bách của vấn đề. Trong thời bình và thịnh vượng, đó là một trong những thứ đầu tiên bị loại khỏi ngân sách", ông LaPlante nói.
Lầu Năm Góc đã cam kết tăng gấp đôi sản lượng tên lửa chống tăng Javelin, quá trình mà nhà đồng sản xuất Lockheed Martin cho biết sẽ mất khoảng 2 năm. Công ty này cũng đang mở rộng sản xuất bệ phóng tên lửa HIMARS và các loại vũ khí khác.
Các quan chức quốc phòng mới đây cho biết họ sẽ tìm cách tăng tốc sản xuất và năng lực sản xuất, thúc đẩy dự luật chính sách quốc phòng mới do Quốc hội đưa ra bao gồm 2,7 tỷ USD để củng cố cơ sở công nghiệp vũ khí. Điều này cũng sẽ cho phép Lầu Năm Góc mua vũ khí với số lượng lớn hơn trong nhiều năm.
Hiện nay, Mỹ gặp nhiều thách thức liên quan đến các vật liệu và linh kiện, từ chip máy tính đến ổ bi và hóa chất sử dụng trong vật liệu nổ.
"Cần phải tạo dựng lại toàn bộ hệ thống này, về cơ bản nó đã bị đóng cửa và phân tán", ông LaPlante nhấn mạnh.
Ông Mike McCord, Người đứng đầu Văn phòng tài chính của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết, yêu cầu ngân sách tài khóa 2024 của Lầu Năm Góc sẽ bao gồm việc tập trung trở lại vào cơ sở công nghiệp vũ khí.
"Chúng tôi sẽ có một số động thái tích cực đối với cơ sở công nghiệp ngoài vấn đề Ukraine", ông McCord nói.
Trong tuần này, Lục quân Mỹ đã ký hợp đồng với General Dynamics Corp để xây dựng một dây chuyền sản xuất mới các thành phần của đạn lựu pháo 155 mm tại một nhà máy gần Dallas. Bộ trưởng Lục quân Christine Wormuth tuần trước cho biết Mỹ có kế hoạch tăng sản lượng đạn pháo hàng tháng từ 14.000 quả hiện nay lên 20.000 quả vào mùa xuân và 40.000 quả vào năm 2025.
Việc sản xuất vũ khí của các công ty quốc phòng Mỹ những năm gần đây phản ánh nhu cầu từ khách hàng lớn nhất - Lầu Năm Góc. Lãnh đạo các công ty này nói rằng họ cần chắc chắn hơn về nhu cầu trong tương lai, mặc dù chính họ đã tự đầu tư một số tiền để tăng sản lượng trước khi nhận được hợp đồng.
Cố gắng trả lời câu hỏi liệu Nga có hết vũ khí hay không?
Các lãnh đạo quân sự cho hay Mỹ không bị thiếu đạn dược sau khi viện trợ cho Ukraine, nhấn mạnh tới một phân tích mà quân đội tiến hành trước khi gửi vũ khí từ các kho dự trữ hiện có đến Kiev.
Ngoài ra, Lầu Năm Góc đang cố gắng xác định liệu Moscow có gây ra ít mối đe dọa hơn so với trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát hay không, bởi Nga đã sử dụng quá nhiều vũ khí của họ trong chiến dịch quân sự ở nước láng giềng. Nếu kết luận là "có", các thành viên NATO cũng có thể cân nhắc giữ ít đạn dược hơn trong kho dự trữ.
"Nước Nga hôm nay không phải là nước Nga của một năm trước", ông LaPlante nói.
Lầu Năm Góc đang xây dựng một định nghĩa mới về những gì họ cần để chống lại 2 cuộc xung đột quy mô lớn cùng một lúc, nguyên lý cốt lõi của Chiến lược Phòng thủ Quốc gia. Định nghĩa mới này sẽ được hoàn thành trong vài tháng tới.
Theo Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Lầu Năm Góc đang tìm cách đảm bảo rằng họ đã "tính toán đúng, ước tính đúng".
"Sau đó, chúng tôi sẽ quay trở lại với ngành công nghiệp quốc phòng để làm những gì chúng tôi phải làm, để đảm bảo rằng chúng tôi có mức dự trữ thích hợp đề phòng một điều gì đó có thể xảy ra", ông phát biểu hôm 6/12.
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết, việc thúc đẩy sản xuất vũ khí sẽ đòi hỏi cả đầu tư trong nước và hợp tác nhiều hơn với các đồng minh.
Lầu Năm Góc và một số đồng minh của Mỹ đang xem xét các đơn đặt hàng chung về đạn dược, mặc dù chưa có thỏa thuận nào được ký kết. Hiện tại, Mỹ cũng phải đang dựa vào năng lực ở nước ngoài.
"Chúng tôi đã khám phá ra nhiều dây chuyền sản xuất hơn chúng tôi nghĩ", ông LaPlante cho biết, dẫn ví dụ từ Ba Lan và Bulgaria.