Chiến dịch "cành ôliu" của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào lực lượng tay súng người Kurd (YPG) ở Syria đã bước sang ngày thứ tư. Mối bận tâm lớn nhất hiện tại của Mỹ về chiến dịch này là gì?
Theo lời một số quan chức Mỹ nói với Reuters ngày 22-1 thì nỗi lo này mang tên Manbij, cụ thể là không biết liệu Thổ Nhĩ Kỳ có mở rộng quy mô chiến dịch từ Afrin đến cả Manbij hay không.
Cả Afrin và Manbij đều nằm trong tỉnh Aleppo (đông bắc Syria). Mỹ không hiện diện tại Afrin. Tuy nhiên, Manbij - phía đông Afrin - là nơi có sự hiện diện của Mỹ và cả đồng minh trong cuộc chiến đánh IS.
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh NATO nhưng lại có các mối quan tâm khác nhau tại Syria. Trong khi Mỹ chú trọng đánh IS thì Thổ Nhĩ Kỳ ưu tiên ngăn chặn người Kurd ở Syria có được quyền tự trị, vì lo ngại sẽ kích động bộ phận người Kurd nước mình.
YPG là thành phần chủ chốt của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - đồng minh với Mỹ trong cuộc chiến đánh IS và đã nhận nhiều hỗ trợ từ Mỹ. Dù cuộc chiến đánh IS đã đi tới giai đoạn cuối nhưng Mỹ vẫn cần đến YPG để giữ an ninh, đảm bảo IS không quay trở lại.
Mỹ cũng hy vọng việc YPG tăng sức mạnh kiểm soát sẽ là đòn bẩy ngoại giao giúp Mỹ khôi phục các vòng hòa đàm Syria do Liên Hiệp Quốc bảo trợ ở Geneva, mục tiêu chấm dứt nội chiến Syria và đẩy tổng thống nước này Bashar al-Assad khỏi quyền lực.
Vì thế, ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ đánh đuổi SDF khỏi Manbij là ưu tiên lớn của Mỹ, các quan chức Mỹ nói với Reuters.
" Manbij được liên quân đánh IS giải phóng và mọi việc sẽ khác đi nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiến về hướng này. Thổ Nhĩ Kỳ từng nói về điều này nhưng hiện chưa có điều gì cho thấy chắc chắn họ sẽ tiến về phía đông, nơi chúng ta đang hiện diện. Giao tranh và tình huống tại Afrin rất khác điều sẽ diễn ra nếu họ tiến thêm về phía đông" - theo một quan chức Mỹ.
Chắc chắn Mỹ sẽ không thể ngồi yên được nếu Thổ Nhĩ Kỳ kéo sang Manbij, vì một lượng lớn lính Mỹ đang ở đây. Số lính này được triển khai từ tháng 3-2017 nhằm ngăn chặn lính Thổ Nhĩ Kỳ và YPG tấn công lẫn nhau, cũng như thực hiện công tác huấn luyện, cố vấn.
"Đây sẽ là một quan ngại lớn và chúng tôi sẽ theo dõi chặt. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là bảo vệ lực lượng của mình" -một quan chức khác nói với Reuters.
Theo chuyên gia Gonul Tol, Giám đốc chương trình Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Trung Đông (Mỹ), thuyết phục Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không mở rộng chiến dịch đến Manbij sẽ cực kỳ khó.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim ngày 21-1 cho biết nước này muốn lập một vùng an ninh rộng khoảng 30 km từ biên giới Syria đổ vào. Nằm trong vùng này không những có Afrin mà cả Manbij, cùng hàng chục ngôi làng khác.
Và ông Erdogan ngày 22-1 thẳng thừng sẽ chỉ ngừng chiến dịch một khi đạt được mục tiêu, khi bị Mỹ yêu cầu giới hạn quy mô và thời gian chiến dịch.
Từ London (Anh) đến Paris (Pháp) ngày 22-1, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói Mỹ đang đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ và hy vọng sẽ tìm ra cách tạo một "vùng an ninh" đáp ứng được nhu cầu an ninh "chính đáng" của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện một phái đoàn quan chức quốc phòng Mỹ đang có mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ bàn chuyện an ninh, trong đó có bàn về Afrin , người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Rankine-Galloway nói với Reuters.
Theo ông Tol, chiến lược Syria của chính phủ Trump - xóa bỏ IS và khôi phục hòa đàm Syria tại LHQ nhằm chấm dứt nội chiến Syria - hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào việc bảo toàn sức chiến đấu của YPG.
"Toàn bộ chiến lược của Mỹ nằm ở người Kurd. Thậm chí nếu Thổ Nhĩ Kỳ không tấn công tới Manbij thì việc thất thủ ở Afrin cũng sẽ làm YPG suy yếu và điều đó sẽ xói mòn ảnh hưởng của Mỹ với người Kurd. Đòn bẩy duy nhất Mỹ có tại Syria là người Kurd" - theo ông Tol.
"Nếu Manbij thất thủ, Raqqa sẽ bị đe dọa, và điều này rất quan trọng với Mỹ. Mỹ sẽ làm tất cả để xoa dịu căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra" - ông Tol lo ngại. Raqqa từng là căn cứ chính của IS ở Syria nhưng đã bị tái chiếm năm ngoái.
Theo Reuters, một khi Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng quy mô sang Manbij, nguy cơ xung đột sẽ xảy ra, ít nhất giữa các lực lượng đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ với đồng minh với Mỹ.