Với 52 phiếu thuận/47 phiếu chống, Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát đã thông qua thành viên nội các thứ 6 được Tổng thống Donald Trump đề cử.
Quá trình phê chuẩn các ứng viên do ông Trump đề cử bị kéo dài bởi các thành viên Đảng Dân chủ sử dụng chiến thuật trì hoãn.
Trong hơn 30 giờ tranh luận, các thành viên đảng Dân chủ cho rằng ông Sessions, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, không thể có quan điểm độc lập với Tổng thống Trump, cũng như không đảm bảo được quyền bỏ phiếu và quyền công dân.
Phe Dân chủ dẫn chứng quyết định sa thải quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates trước đó của ông Trump khi bà yêu cầu luật sư Bộ Tư pháp không bảo vệ sắc lệnh hạn chế nhập cư.
Phản pháo lại, phe Cộng hòa cho rằng ông Sessions sẽ đặt việc thực thi pháp luật quốc gia lên trên chính trị. “Ông Sessions sẽ có quan điểm độc lập. Khi phải nói không với tổng thống Mỹ thì ông ấy sẽ làm thế” – Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Chuck Grassley cho biết.
Theo quan chức này, ông Sessions vẫn sẽ thực thi pháp luật thậm chí khi ông không ủng hộ và đồng ý vấn đề nào đó.
Trong quá trình tranh luận, phe Cộng hòa đã viện dẫn điều luật hiếm hoi về việc cấm hành vi công kích mang tính cá nhân nhằm vào đồng nghiệp để ngăn Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của đảng Dân chủ tiếp tục tham dự cuộc tranh luận.
Động thái trên diễn ra sau khi bà đọc bức thư được nhà hoạt động Coretta Scott King viết năm 1986, theo đó phản đối việc đề cử ông Sessions làm thẩm phán liên bang.
Ông Sessions, 70 tuổi, từng là công tố viên, tổng chưởng lý ở bang Alabama trước khi trở thành thượng nghị sĩ vào năm 1996.
Vào năm 1986, ông Sessions được đề cử vào vị trí thẩm phán liên bang. Tuy nhiên, đề cử trên đã bị phản đối tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện vì ông Sessions được cho là người từng có phát ngôn và hành động phân biệt chủng tộc. Thượng nghị sĩ Sessions đã phủ nhận cáo buộc này.