"Thật khó chịu khi phải chứng kiến họ đã đổi chiều trong vài năm qua", ông Esper phát biểu, ám chỉ đến việc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày một nghiêng về phía Nga, mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga bất chấp lời cảnh báo của chính quyền Mỹ về việc bước đi đó của Ankara có thể dẫn đến việc Mỹ tung ra các biện pháp trừng phạt về kinh tế nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ và làm phương hại đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO – một liên minh quân sự đang đối đầu gay gắt với Nga.
Tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump có phát biểu mang tính hòa dịu hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh rằng nước này mua các tên lửa từ Nga do chính quyền của Tổng thống Obama từ chối bán các hệ thống phòng không Patriot cho họ "dưới bất kỳ hình thức nào".
Trên thực tế, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ về một hợp đồng Patriot bị đổ vỡ dưới thời chính quyền Obama do Ankara khăng khăng đòi quyền được chuyển giao công nghệ. Điều này sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng có thể tự chế tạo các tên lửa của riêng mình. Đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ gây ảnh hưởng đến lợi ích về mặt vật chất của nhà sản xuất cũng như gây ra các lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ, phía Mỹ giải thích.
Những phát biểu trên của ứng cử viên cho chức ông chủ Lầu Năm Góc được đưa ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang liên tiếp đón nhận những chuyến hàng chở tên lửa S-400 đến cho họ từ Nga.
Hoạt đồng bàn giao tên lửa S-400 của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ chính thức bắt đầu từ ngày 12/7. Trong mấy ngày vừa qua, đã có liên tiếp những chiếc máy bay chở theo tên lửa S-400 đến cho Ankara hạ cánh ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Với những gì đang diễn ra trong mấy ngày qua, có thể thấy rõ một điều rằng, Nga đã khôn ngoan khi cố gắng hoàn tất hợp đồng cho Thổ Nhĩ Kỳ sớm nhất có thể để tránh rủi ro từ các hoạt động chống phá mạnh mẽ của phía Mỹ. Moscow đã đề phòng đến khả năng Washington có thể gây sức ép thành công lên đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, khiến nước này từ bỏ hợp đồng S-400 với Nga.
Trong tình thế như hiện nay, khi Thổ Nhĩ Kỳ đã thanh toán hợp đồng cho Nga và Nga đã bàn giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ thì rõ ràng mọi sự đã không thể thay đổi. Washington phải chấp nhận thực tế là họ không thể xoay chuyển được tình hình dù đã tìm mọi cách có thể được trong nhiều tháng vừa qua.
Thổ Nhĩ Kỳ năm 2017 đã ký hợp đồng mua các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 của Nga sau tiến trình đàm phán kéo dài. Kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua các tên lửa S-400 của Nga đã nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích gay gắt và phản đối quyết liệt từ các đồng minh NATO, đặc biệt là Mỹ.
Mỹ liên tục đe dọa sẽ tung ra các biện pháp trừng phạt, thậm chí còn cảnh báo sẽ không cho Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chương trình F-35, nếu đồng minh của họ tiếp tục theo đuổi kế hoạch mua S-400 của Nga.
Giới chức Mỹ và NATO không ngừng nói đến những nguy cơ gây ra từ việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400. Phương Tây tin rằng, hệ thống S-400 không tương thích với mạng lưới phòng thủ của NATO và S-400 của Nga có thể gây nguy hiểm đối với chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới F-35 của họ.
Sau những lời cảnh báo, đe dọa, Mỹ thậm chí còn xuống nước đề nghị bán các tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ để thay thế S-400 của Nga.
Tuy nhiên, bất chấp mọi lời cảnh báo, đe dọa và cả lời đề nghị Patriot hấp dẫn của Mỹ, Ankara vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng hợp đồng mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga.