Tờ New York Times hôm 26.12 dẫn báo cáo của Quốc hội Mỹ cho biết, Mỹ và Pháp đều tăng doanh số bán vũ khí ra nước ngoài, doanh số của Mỹ tăng khoảng 4 tỉ USD, của Pháp tăng mạnh tới hơn 9 tỉ.
Báo cáo có tên "Vận chuyển vũ khí thường sang các nước đang phát triển giai đoạn 2008 - 2015", do Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ thực hiện. Đây là một cơ quan phi đảng phái, là một chi nhánh của Thư viện Quốc hội.
Báo cáo hàng năm này được xem là một trong những đánh giá toàn diện nhất về việc bán vũ khí trên toàn cầu được công bố công khai.
Theo báo cáo, các nước đang phát triển tiếp tục là những bên mua vũ khí lớn nhất, với Qatar chi hơn 17 tỉ USD mua vũ khí năm 2015, Ai Cập chi gần 12 tỉ và Saudi Arabia chi hơn 8 tỉ.
Mặc dù căng thẳng trên toàn cầu và các mối đe dọa khủng bố chưa có dấu hiệu giảm đi, song tổng khối lượng mua bán vũ khí toàn cầu giảm xuống còn khoảng 80 tỉ trong năm 2015, so với 89 tỉ năm 2014. Trong số đó các nước đang phát triển chi 65 tỉ, giảm đáng kể so với năm trước đó là 79 tỉ.
Báo cáo cho biết, lo ngại về vấn đề ngân sách trong nước đã khiến nhiều quốc gia mua vũ khí giảm bớt hoặc hạn chế mua các hệ thống vũ khí quan trọng mới, mà chọn nâng cấp các hệ thống đang có.
Nga, một cường quốc áp đảo khác trên thị trường vũ khí toàn cầu, có số đơn hàng vũ khí giảm nhẹ, doanh số bán ra của Nga giảm xuống còn 11,1 tỉ USD so với 11,2 tỉ USD năm trước đó. Các quốc gia Mỹ Latinh, đặc biệt là Venezuela, là khách hàng hàng đầu của Nga.
Trung Quốc bán vũ khí được 6 tỉ USD, tăng gần gấp đôi so với hơn 3 tỉ USD năm 2014.
Trong số các quốc gia sản xuất vũ khí cũng là thành viên NATO, Đức thành công trong việc tiếp thị các hệ thống hải quân cho các nước đang phát triển, còn Anh cũng thành công với máy bay.