Tờ Daily Mail Anh ngày 3/7 cho hay 1 tháng qua Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã rơi vào cục diện bế tắc ở khu vực Động Lãng (cách gọi của Trung Quốc đối với khu vực tranh chấp ở biên giới Trung - Ấn hiện nay). Trong bối cảnh này, Trung Quốc đã triển khai một chiếc tàu ngầm ở khu vực Ấn Độ Dương.
Hiện nay, tàu ngầm động cơ diesel-điện lớp Nguyên này đang chạy xuyên qua Ấn Độ Dương, nó có tính năng tốt hơn tàu ngầm đã lão hóa của Ấn Độ.
Chiếc tàu ngầm này được hỗ trợ bởi tàu chi viện Sùng Minh Đảo của Hải quân Trung Quốc. Ấn Độ đã chú ý đến động thái của chiếc tàu ngầm này xâm nhập vào khu vực Ấn Độ Dương gần đây. Hải quân Ấn Độ đã nhấn mạnh đến hoạt động gia tăng của Hải quân Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương.
3 năm trước, tàu chiến và tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc cũng đã xuất hiện ở khu vực Ấn Độ Dương, bề ngoài là vì hành động chống cướp biển ở vịnh Aden. Nhưng ban đầu vào năm 2013 và 2014, Trung Quốc chỉ điều một hạm đội nhỏ gồm 3 tàu chiến, đến nay tàu chiến Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều ở các vùng biển xung quanh Ấn Độ.
Gần đây, vệ tinh và Hải quân Ấn Độ đã phát hiện được ít nhất 14 tàu chiến Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương, trong đó bao gồm tàu khu trục lớp Lữ Dương III Type 052D loại mới nhất.
Tàu trinh sát Hải Vương Tinh của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc.
Những tàu chiến này đã lắp tên lửa đất phòng không và tên lửa tầm xa, đang đang rời "sân sau", áp sát lực lượng của Ấn Độ. Các phương tiện giám sát tầm xa của Hải quân Ấn Độ luôn theo dõi và ghi chép nhất cử nhất động của Hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Một sĩ quan cấp cao Ấn Độ cho biết: "Những năm gần đây, thực lực của chúng tôi đã tăng mạnh. Rất nhiều lực lượng đều phát triển gấp đôi. Chúng tôi đã có thể kiểm soát toàn bộ khu vực".
Tháng 12/2013, Ấn Độ đã phát hiện được chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc. Chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Thương này triển khai gần 3 tháng ở vùng biển xung quanh Ấn Độ.
Năm 2016, Trung Quốc đã lần lượt triển khai 1 tàu ngầm hạt nhân lớp Hán và 1 tàu ngầm thông thường. Những tàu ngầm này nhòm ngó khắp nơi ở Ấn Độ Dương trong thời gian hơn nửa năm.
Tàu ngầm thông thường lớp Nguyên bị Ấn Độ phát hiện lần này là tàu ngầm đầu tiên Trung Quốc điều đến khu vực Ấn Độ Dương trong năm 2017.
Đối với Ấn Độ, điều đáng lo ngại là cùng với việc gia tăng hoạt động triển khai tàu chiến, Trung Quốc còn triển khai tàu đo đạc thủy văn và khảo sát biển, tàu gián điệp ở Ấn Độ Dương, đã tiến hành đo vẽ bản đồ đáy biển. Rất nhiều tư liệu đã làm rõ dòng nước và tiếng ồn ở độ sâu cụ thể, trong khi đó tình hình đáy biển rất quan trọng đối với việc triển khai tàu ngầm.
Tàu trinh sát kỹ thuật điện tử tầm xa Hải Vương Tinh của Hải quân Trung Quốc trong tháng này đã đến Ấn Độ Dương. Một trong những nhiệm vụ triển khai ở đó của chiếc tàu gián điệp được lắp thiết bị tiên tiến này là thu thập tình báo điện tử. Nó có thể bắt được tín hiệu điện tử và phát về Trung Quốc để tiến hành phân tích.
Tập trận Malabar 2014 giữa Mỹ - Ấn.
Chính phủ Ấn Độ biết được chiếc tàu gián điệp này đến khu vực Ấn Độ Dương là để dò la về cuộc tập trận chung trên biển thường niên Malabar giữa Ấn - Mỹ - Nhật bắt đầu được tiến hành vào ngày 7/7/2017. Trước đó, chiếc tàu này cũng đã từng được cho là sử dụng để theo dõi hoạt động diễn tập trên biển của Ấn - Mỹ.