MWG liệu có còn “chạy” nhanh năm 2017?

Khắc Lâm |

Năm 2016, cùng với tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và mở rộng mạng lưới hoạt động, giá cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động liên tục thiết lập đỉnh mới. Triển vọng năm nay như thế nào khi thị trường di động - động lực tăng trưởng chính của Công ty những năm qua, đang có dấu hiệu bão hòa?

5 năm qua, lợi nhuận tăng bình quân 65,7%

MWG là một trong những nhà bán lẻ thiết bị di động, điện tử hàng đầu. Tính đến cuối tháng 11/2016, toàn hệ thống MWG có 938 cửa hàng Thế giới di động và 211 cửa hàng Điện máy xanh. Bên cạnh đó, Công ty đang xâm nhập vào mảng bán lẻ thực phẩm với chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh.

Theo báo cáo tài chính mới công bố, năm 2016, MWG đạt doanh thu thuần 44.613 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.577 tỷ đồng, tăng lần lượt 77% và 47% so với năm 2015, hoàn thành vượt 14% chỉ tiêu lợi nhuận. 5 năm qua, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của MWG tăng bình quân 43,87%/năm và 65,7%/năm.

Tuy doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh, nhưng 2 năm gần đây, nhiều khoản mục như hàng tồn kho, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, hàng bán bị trả lại, phải thu của khách hàng không chỉ gia tăng về giá trị tuyệt đối, mà còn tăng về tỷ lệ so với doanh thu.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG) đặt mục tiêu đạt doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2020. Đây là một chỉ tiêu lớn khiến ông Chris Freund, Tổng giám đốc Mekong Capital - cổ đông lớn của MWG băn khoăn: "Dù Công ty có tầm nhìn tham vọng cho giai đoạn đến năm 2020, nhưng tôi không nghĩ rằng, doanh thu 10 tỷ USD là mục tiêu khả thi. Điều này có nghĩa Công ty phải tăng quy mô lên 10 lần trong vòng 5 năm".

Dù chưa cho thấy tín hiệu đáng ngại do các chỉ số vẫn ở mức thấp, nhưng xu hướng gia tăng này cần được kiểm soát, nếu không sẽ trở thành gánh nặng đáng kể khi đà tăng của doanh thu chững lại.

Trong cơ cấu tài sản thời điểm cuối năm 2016 của MWG, tài sản dài hạn chiếm 16,8%, trong đó chiếm tỷ trọng cao nhất là hàng tồn kho, ở mức 64% (9.500 tỷ đồng). Với doanh nghiệp bán lẻ điện tử - điện máy, các loại hàng tồn kho sẽ bị lỗi thời rất nhanh nếu không có chính sách tồn kho phù hợp.

MWG có cơ cấu tài sản khá đặc thù của một doanh nghiệp bán lẻ khi không sử dụng vay nợ dài hạn, nguồn vốn chủ sở hữu đáp ứng đủ tài trợ tài sản dài hạn và một phần bổ sung vốn lưu động. Giai đoạn 2012 - 2016, mức tăng bình quân của vốn chủ sở hữu là 40,3%.

Trong khoảng thời gian này, quy mô tài sản của Công ty tăng bình quân 56%/năm. Tỷ lệ nợ trong cơ cấu vốn cuối năm 2016 là 74% (năm 2014 là 56,44%).

Do tỷ lệ nợ vay ngắn hạn cao, chỉ số thanh toán nhanh và thanh toán tức thời của MWG ở mức thấp, dẫn đến những rủi ro nhất định trong quá trình luân chuyển vốn. Tuy nhiên, doanh nghiệp bán lẻ có lợi thế ít bị chiếm dụng vốn từ khách hàng, hàng tồn kho có tính thanh khoản cao và dòng tiền hoạt động kinh doanh dương lớn.

Cùng với xu hướng gia tăng chi phí, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tài sản (ROA) của MWG suy giảm từ năm 2014 đến nay, dù biên lợi nhuận gộp duy trì trên mức 15%.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MB, doanh thu của MWG tăng cao chủ yếu nhờ tốc độ mở cửa hàng mới nhanh nhất trong nhiều năm qua, nhưng các cửa hàng mới sẽ cần thời gian để đạt được mức doanh thu như những cửa hàng đã mở từ trước.

Do các cửa hàng mới cần thời gian để tăng hiệu quả hoạt động, trong khi chi phí ban đầu cao, khiến các chỉ số phản ánh hiệu quả hoạt động của Công ty sụt giảm. Mặc dù vậy, có thể kỳ vọng các chỉ số này sẽ tăng trở lại khi việc mở rộng hệ thống hoàn tất và MWG tập trung vào nâng cao hiệu suất hoạt động.

MWG liệu có còn “chạy” nhanh năm 2017? - Ảnh 2.

Mục tiêu 2017: Nhiều thách thức

Hội đồng quản trị MWG vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2017, với chỉ tiêu 63.280 tỷ đồng doanh thu và 2.200 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 38,7% và 39,5% so với thực hiện năm 2016.

Mảng phân phối thiết bị di động là mảng tạo nên thành công của MWG với chuỗi cửa hàng Thế giới di động những năm qua, hiện đóng góp khoảng 70% trong cơ cấu doanh thu và chiếm khoảng 38% thị phần - đứng đầu cả nước trong 10 tháng đầu năm 2016.

Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh, nhiều dự báo cho rằng, thị trường di động đang đạt đến điểm bão hòa, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, vốn là những thị trường trọng điểm. MWG vẫn có thể gia tăng doanh thu do xu hướng tiêu dùng chuyển từ các cửa hàng nhỏ đến hệ thống có thương hiệu mạnh, nhưng tốc độ tăng trưởng nhiều khả năng khó duy trì ở mức cao.

Với mảng phân phối thiết bị điện máy qua chuỗi cửa hàng Điện máy xanh, MWG đạt mức tăng trưởng cao về doanh thu và thị phần nhờ số lượng cửa hàng tăng lên nhanh chóng.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường GFK, thị trường điện máy Việt Nam dự báo đạt quy mô 97.000 tỷ đồng vào năm 2020, tương ứng mức tăng trưởng 11,3% trong giai đoạn 2016 - 2020, cho thấy tiềm năng tăng trưởng còn lớn.

MWG đặt mục tiêu đạt thị phần 30% vào cuối năm 2017 so với mức 16 - 17% cuối năm 2016 và xác định mảng này là động lực tăng trưởng chính của Công ty trong 1 - 2 năm tiếp theo.

MWG liệu có còn “chạy” nhanh năm 2017? - Ảnh 3.

Đối với chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh, được MWG phát triển từ cuối năm 2015, kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho Công ty khi mảng điện tử - điện máy đạt điểm bão hòa. Chuỗi cửa hàng với phương châm “nhanh và rẻ” của MWG sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với các chuỗi hiện tại có quy mô, thương hiệu như Coop Food, Vinmart+…

Theo báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam về MWG, đến tháng 12/2016, mặc dù Bách hóa xanh đạt doanh thu 1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, nhưng chuỗi cửa hàng vẫn đang lỗ, đòi hỏi Công ty tiếp tục có những cải tiến để đem lại hiệu quả.

Ngoài ra, cuối năm 2016, MWG đã đưa trang thương mại điện tử vuivui.com vào hoạt động, bán hầu hết các mặt hàng trong 3 nhánh kinh doanh của Công ty hiện nay, với mục tiêu đưa vuivui.com trở thành một Amazon của Việt Nam, cạnh tranh với Tiki, Lazada, Sendo…, đón đầu xu hướng tiêu dùng online.

Tuy nhiên, do đây là lĩnh vực kinh doanh mới của Công ty, nên khả năng thành công của bước đi này cần có thời gian để trả lời.

Với kết quả kinh doanh khả quan, giá cổ phiếu MWG đã tăng hơn 2,2 lần trong năm 2016, phản ánh những thông tin tích cực trong năm, đưa Công ty lọt vào Top những doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD.

Chỉ số giá trên lợi nhuận (P/E) của cổ phiếu MWG hiện tại ở mức trên 15 lần, tương đương với P/E toàn thị trường, nhưng được đánh giá là khá cao so với nhiều công ty cùng ngành bán lẻ trong nước.

Mới đây, Dragon Capital đã trở thành cổ đông lớn của MWG. Hiện “room” sở hữu tối đa dành cho nhà đầu tư nước ngoài tại MWG đã kín mức 49%. Công ty chưa có dự định nới room do hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ có điều kiện hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong việc mở cửa hàng mới, do vậy nhà đầu tư chưa thể kỳ vọng yếu tố bất ngờ từ dòng vốn ngoại.

Nhiều cổ đông kỳ vọng vào triển vọng của MWG khi khả năng tăng hiệu quả của chuỗi cửa hàng mở mới còn nhiều dư địa, năng lực vận hành mạnh với hệ thống kiểm soát hàng tồn kho hiệu quả, nền kinh tế tiếp tục có diễn biến khả quan.

Tuy nhiên, trong bối cảnh lĩnh vực hoạt động của MWG ngày càng cạnh tranh khốc liệt, duy trì tăng trưởng cao đi kèm với kiểm soát chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động là bài toán không đơn giản.

Mùa Đại hội đồng cổ đông sắp tới, cổ đông chờ đợi thông điệp từ Ban lãnh đạo Công ty về cách vượt qua thách thức để đạt mục tiêu kinh doanh 2017.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại