Muốn thành công thì phải thức dậy lúc 4 giờ?

TĂNG KHÁNH |

Bạn thường đọc một trong những bí quyết thành công là thức dậy lúc 4 giờ sáng, đến văn phòng lúc 7 giờ. Bạn đã cố thực hiện theo nhưng thất bại, mệt mỏi, không duy trì được thậm chí chỉ trong 1 tuần.

Indra Nooyi là phụ nữ đầu tiên sinh ra bên ngoài nước Mỹ trở thành CEO PepsiCo. Bà đã hai lần được Fortune vinh danh là phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Thói quen nổi tiếng của bà, cũng giống như Jack Dorsey, Arianna Huffington, Barack Obama và Benjamin Franklin, đó là thức dậy rất sớm, bắt đầu ngày làm việc trước hầu hết các đồng nghiệp.

Anisa Purbasari – nhà chiến lược của Business Insider, từng là một nhân viên chăm sóc y tế, luật sư trong lĩnh vực truyền thông, viễn thông, và công nghệ tại New Zealand – quyết định thực hiện một thí nghiệm để xem có phải chỉ cần thực hiện những thói quen của người thành công bạn sẽ thành công như họ. Cô bắt đầu cài báo thức của mình vào lúc 4 giờ sáng.

Thử nghiệm

Là người thường thức dậy vào lúc 5 giờ sáng, Anisa vẫn thấy có thể ra khỏi giường sớm hơn 1 tiếng là một thách thức. Thậm chí, cô còn cố gắng sống theo thời khóa biểu của Benjamin Franklin, thực hành theo 13 đức tính của ông, và cô kết luận: “Tôi đã phải vật lộn với cuộc sống của mình. Mọi thứ quá khó và không thể thực hiện ngay”.

Vì thế, thay vì cố gắng thức dậy vào lúc 4 giờ ngay, cô cài đồng hồ lúc 4 giờ 30 và sớm dần 5-10 phút những ngày sau đó. Cũng như vậy, cô tập đi ngủ sớm dần.

Anisa Purbasari cũng cố gắng bắt đầu làm việc lúc 7 giờ như CEO PepsiCo nhưng lại không thoải mái khi cắt giảm 1 giờ rảnh rỗi lẫn một nửa số thói quen buổi sáng như ngồi thiền, uống trà và đọc tin tức để kịp giờ đến văn phòng sớm hơn.

 Muốn thành công thì phải thức dậy lúc 4 giờ?  - Ảnh 1.

Bà Indra Nooyi - CEO PepsiCo

Kết quả

Cuộc thử nghiệm bắt đầu thực hiện vào thứ Hai và năng suất làm việc vào ngày hôm đó tăng vọt. Thế nhưng, vào ngày thứ Ba năng suất giảm sút một chút do cô vẫn thức dậy sớm nhưng không ngủ đủ giấc.

Vào tối thứ Tư, Anisa đi ăn tối với bạn và về nhà vào lúc 9 giờ 15 phút, khá sớm nhưng không đủ để cô có thể thức giấc lúc 4 giờ 10 phút. Kết quả là cô đã không thể tập trung trong ngày làm việc hôm đó.

Vì vậy, cô đặt báo thức lúc 5 giờ 30 phút, mặc dù cô đã có thể thức dậy sớm hơn 30 phút. Việc ngủ thêm một chút đã thực sự tạo ra sự khác biệt khi cô có thể làm việc hiệu quả bằng cả tuần cộng lại.

Vào đêm thứ Năm, và thứ Sáu của tuần thử nghiệm, cô cảm thấy rất mệt mỏ, thiếu ngủ, mất tập trung khi cố gắng thức dậy quá sớm. Anisa quyết định không theo đuổi mục tiêu thức dậy vào 4 giờ sáng nữa.

Sau một tuần, Anisa nhận ra cách thức thiết lập buổi sáng như thế nào để phù hợp với thói quen của mình. Cô kết luận, cuộc thử nghiệm không hoàn toàn thất bại, và nếu không thể thức dậy vào lúc 4 giờ sáng mỗi ngày thì đó cũng không phải là yếu tố khiến ai đó không thành công.

Bài học

Anisa được học rằng, một người thành công như CEO PepsiCo chỉ cần 3 giờ mỗi sáng để dành cho những thói quen cá nhân. Tuy nhiên khi thực hiện thử nghiệm, cô nhận thấy mình phải cần đến 5 giờ.

Cô cần 15 - 30 phút để ngồi thiền, 30-45 phút để đọc tin tức bên tách trà, tập thể dục trong 1 giờ - 1 giờ 30 phút, chuẩn bị bữa sáng lẫn bữa trưa, lên kế hoạch cho ngày làm việc, sẵn sàng mọi thứ và bắt đầu ngày mới.

Nhiều người có thể cảm thấy buổi sáng với rất nhiều các thói quen như thế là quá “cồng kềnh”. Tuy nhiên, bài học mà Anisa muốn chia sẻ chính là một buổi sáng chậm rãi, chăm chút cho những thói quen, sinh hoạt lành mạnh là điều kiện quan trọng tạo nên một ngày làm việc năng động.

Cô cho biết cần những bài tập thiền giúp tập trung tinh thần. Cô cũng cần tập thể dục để cảm thấy vừa vượt qua một thách thức đầu tiên trong ngày. Sau đó, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo đều được cải thiện rõ rệt. Cô không muốn tập thể dục vào buổi chiều tối vì cảm thấy điều đó giống bị “hành xác” sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Bà Nooyi thức dậy lúc 4 giờ và đến văn phòng lúc 7 giờ bởi vì thói quen đó giúp bà làm việc tốt nhất. Nhưng với Anisa thì không, bởi vì cô cần nhiều thời gian buổi sáng hơn để làm những việc bản thân cảm thấy thoải mái, để sẵn sàng, tràn đầy năng lượng thay vì phải cố gắng theo đuổi mục tiêu của người khác.

"Hãy chọn những thói quen bạn thích, thiết kế thời khóa biểu phù hợp với mục tiêu, khả năng, điểm mạnh và điểm yếu của bạn để dễ dàng duy trì hơn”, Anisa chia sẻ.

Nếu những thói quen không phù hợp với mục tiêu và sự ưu tiên của bạn, bạn sẽ không duy trì được lâu dài.

Nhưng điều mà bạn có thể rút ra từ câu chuyện của Anisa là nên thử nghiệm cách mà người thành công đã thực hiện để tìm được "công thức" phù hợp với bản thân. Những thói quen phù hợp sẽ giúp bạn có nhiều năng lượng và thêm động lực để làm việc hiệu quả hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại