Mấp mé tỷ phú ở tuổi 35
Bố Carnegie làm thợ dệt khăn trải bàn, mẹ ông làm nghề giặt là, khâu giầy cho một cửa hiệu. Gia đình họ sống hoà thuận, giàu tình thương. Carnegie chỉ có vài bộ quần áo để mặc, khi cần thay thì ông phải cởi trần chui vào chăn, trong khi bà mẹ đem đồ ra giặt, sấy khô để sáng hôm sau con mình có áo quần mặc.
Bà thường làm việc từ sáng đến khuya để duy trì sinh hoạt cho gia đình nhưng chẳng bao giờ kêu ca.
Vì vậy, ngay từ bé, Carnegie thương mẹ vô hạn, ông thường nói với bà rằng lớn lên ông sẽ quyết chí kiếm thật nhiều tiền để mẹ khỏi vất vả; khi đó ông sẽ mua ô tô và quần áo tơ lụa... cho mẹ.
Năm 1857 khi Carnegie 22 tuổi, mẹ ông từ trần. Cú sốc mất mẹ khiến ông quyết không lấy vợ mà lao vào làm ăn cho vợi sầu đau, nhưng hễ ai nhắc đến mẹ là ông lại òa khóc.
Khi mới đến Mỹ, Carnegie đầu tiên làm nghề chuyển điện báo, do mẫn cán với công việc ông được thăng làm thư ký cho viên phụ trách tuyến điện báo chuyên dụng của Công ty Đường sắt Pennsylvania.
Một lần, trong khi đi tàu hỏa, ông được người đồng hành, vốn là nhà phát minh ô tô cho xem một thiết kế mới hiện đại và đàm luận về tương lai của ô tô và xe lửa. Là người có tầm nhìn nhạy bén, ông suy xét và thầm cho rằng tương lai gần vẫn là đường sắt, nhưng xa hơn là vật liệu sản xuất ra tàu hỏa, ô tô, đường sắt...
Nhờ chăm đọc sách báo, có nhiều thông tin, lại quen biết một số người có máu mặt trong ngành nên Carnegie dự đoán rằng đường sắt sẽ rất phát triển và bùng nổ trong nhiều thập niên tới.
Vì vậy, khi ông biết được một nhân vật ngành đường sắt đang muốn bán hết cổ phần công ty đường sắt mà anh ta đang có với giá 600 USD, Carnegie đã chớp thời cơ mua ngay.
Dù lúc đó 600 USD là một khoảng tiền lớn đối với Carnegie nhưng ông quyết định vay mượn khắp nơi để mua hết số cổ phiếu đó. Ít lâu sau ông đã bán lại cổ phiếu với giá hàng chục nghìn USD. Sự nghiệp kinh doanh của Carnegie bắt đầu khởi sắc từ đó.
Từ khi trở thành nhà đầu tư có số má của ngành đường sắt, Carnegie đã sớm nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sắt thép để sản xuất đầu máy, toa xe và làm đường ray rất lớn.
Ngoài ra, nhu cầu xây cầu sắt để thay thế các cầu gỗ ngày càng bùng phát khắp nước Mỹ bởi cầu gỗ có tuổi thọ ngắn, bị ảnh hưởng nhiều của thời tiết gió mưa, nóng lạnh thay đổi.
Ngoài ra, ông còn nhận thấy trụ cầu, giá cầu bằng gỗ dễ bắt lửa, nếu bị cháy sẽ gián đoạn giao thông, vì thế lập công ty sản xuất giá đỡ cầu bằng thép và được chính quyền nhiều vùng ký hợp đồng mua nên ông bắt đầu phất lên.
Có tiền, ông rủ bạn bè hùn vốn mua thêm đất ở khu dầu mỏ ở Tây Pennsylvania rồi đầu tư khai thác dầu khí. Năng khiếu kinh doanh bẩm sinh, sự nhạy bén với thương trường đã khiến Carnegie quyết định chuyển sang đầu tư lâu dài cho ngành sản xuất sắt thép.
Ông thôi hẳn công việc của hãng xe lửa Pennsyvania để lập một công ty sản xuất sắt thép. Năm 1892, ông hợp nhất tất cả các công ty con mà ông sở hữu thành công ty thép mang tên Carnegie.
Khi chiến tranh Bắc Nam gần kết thúc, Carnegie bắt đầu xây dựng tổ hợp sản xuất gang thép và thành danh trong lĩnh vực này, như vậy khoảng 25 - 27 tuổi ông là triệu phú và mới hơn 35 tuổi ông đã mấp mé thành tỷ phú của tập đoàn sản xuất gang thép hàng đầu của Mỹ.
Đầu tư cho giáo dục
Tỷ phú Andrew Carnegie.
Tuy đến trường đào tạo chuyên môn quản trị nhân sự mấy năm, nhưng ông học được rất nhiều trong thực tiễn và từ những người quản lý giỏi. Ông rất quý trọng người tài giỏi, biết cách sử dụng và đãi ngộ họ, biết cách tổ chức công việc mà không ôm đồm nên guồng máy chạy rất tốt.
Một nửa thời gian ông dùng cho công việc điều hành, quản lý, còn một nửa thời gian ông dùng để tiêu khiển những thú vui hữu ích: Ông thích thơ ca, viết sách. Ông để lại cho đời 8 cuốn sách về truyện ký, du ký, tuỳ bút; ông còn mê cưỡi ngựa đi săn để rèn luyện sức khỏe...
Bạn bè ông thường kể lại về ông rằng: Đó là một người tóc sớm bạc, râu quai nón rậm, mắt rất hiền từ hóm hỉnh, nom rất giống hiệp sĩ châu Âu thời Trung Cổ ông to vững chãi - sức khoẻ hơn người, mũi ông hơi to bè, dấu hiệu của người phóng khoáng, hào hiệp; nhìn chính diện thì tai ông không nhìn thấy hết mà khuất sau mặt - đó là tướng mạo sang trọng, thành đạt.
Ông rất quý trọng bạn bè đồng sự trung tín, ông tạo điều kiện cho rất nhiều người trở thành triệu phú giàu có. Những người này ngay cả khi tách ra làm ăn độc lập vẫn giữ được tình cảm tốt đẹp với ông.
Ông giàu có nhưng không keo kiệt, ông hào hoa, tốt bụng, số lượng những người được ông dìu dắt trở thành triệu phú nhiều hơn bất cứ các đại gia nào, sau này các tỷ phú hiện đại - kể cả B.Gate cũng học tập ông, chú ý nâng đỡ bạn bè nhưng chưa được như ông. Khác với các triệu phú thời đó, Andrew Carnegie sống rất giản dị.
Ông rất xem trọng và luôn cổ vũ việc nỗ lực học hành và việc đọc sách. Theo ông đó là nguồn gốc của sự tiến bộ cá nhân và sự phát triển, văn minh của xã hội.
Khởi nghiệp từ bàn tay trắng, khi trở thành đại doanh nhân nước Mỹ, Carnegie luôn dặn mình không được sa ngã vì đồng tiền, không được lệ thuộc vào nó. Ông nói: "Đàn ông phải tôn sùng thứ gì đó, nhưng tôn sùng sự giàu có là một trong những điều tồi tệ nhất".
Trong bài luận"The Gospel of Wealth" viết năm 1889, Carnegie đã thể hiện rõ quan điểm người giàu nên dùng tài sản để giúp đỡ xã hội. Ông viết: "Người đàn ông để lại tài sản hàng triệu USD sau khi chết sẽ không được thương tiếc, vinh danh hay ngợi ca. Cái chết giàu sang là cái chết đáng hổ thẹn".
Để giúp người giàu khỏi lo lắng về "cái chết đáng hổ thẹn", Carnegie gợi ý họ nên làm từ thiện ngay từ lúc cuộc sống khỏe mạnh, thành đạt, bằng cách đầu tư vào một lĩnh vực rất quan trọng - mà nhiều lúc xã hội chưa quan tâm đúng mức, đó là giáo dục.
Năm 1887, vào tuổi 52, ông mới lấy vợ và 10 năm sau, đứa con gái duy nhất của ông mới ra đời.
Đến những năm 90 thế kỷ XX, công ty mang tên ông trở thành doanh nghiệp lớn nhất và lợi nhuận cao nhất trong ngành công nghiệp thép. Năm 1901, ông bán công ty choJ. P. Morgan với giá 480 triệu USD (tương đương 309,2 tỷ USD ở thời điểm hiện nay).
Sau đó ông dành phần đời còn lại hoạt động cho công tác xã hội và từ thiện đặc biệt là đầu tư cho nhiều lĩnh vực như thư viện, bảo vệ hòa bình thế giới, giáo dục và nghiên cứu khoa học...
Riêng về từ thiện, ông đã đóng góp số tiền là 78 triệu USD cho lĩnh vực giáo dục đại học, cao đẳng, khỏang 60 triệu USD cho hơn 3.000 thư viện khắp thế giới, mua tặng 7.000 đại phong cầm cho các nhà thờ lớn, cả đời ông tiêu hết khoảng 365 triệu USD (tương đương gần 80 tỷ ngày nay).
Ông giáo dục con ông quý trọng lao động, yêu sự sáng tạo, hướng thiện. Năm 1901, ông nghỉ hẳn công việc công ty, về nhà tiếp tục viết sách, làm thơ, thăm viếng bạn bè. Năm 1919, ông ra đi lúc ông 84 tuổi, nhiều nhà thờ của nước Mỹ gióng lên những hồi chuông tiễn đưa ông, mặc dù ông không phải là tín đồ Cơ đốc giáo.