Một tuần "tắm máu" của chứng khoán Trung Quốc hé lộ rủi ro với các quỹ đầu tư toàn cầu

Linh Anh |

Danh mục đầu tư của bạn có liên quan gì tới cổ phiếu Trung Quốc? Câu trả lời là: Nhiều hơn bạn nghĩ.

Sự bùng nổ chỉ số trong hơn một thập kỷ qua diễn ra trùng với sự nổi lên của Trung Quốc trong vai trò nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Hàng nghìn tỷ USD đã được đổ vào thị trường chứng khoán nước này, chủ yếu thông qua các quỹ thụ động (passive funds).

Các quỹ này lại dựa vào các thước đó như Chỉ số thị trường mới nổi của MSCI, bao gồm chứng khoán của 26 thị trường các nền kinh tế mới nổi hay MSCI Asia Pacific Index. 10 năm qua, tỷ trọng các cổ phiếu của Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đã tăng gấp đôi và hiện đang chiếm 35% MSCI. Ở MSCI Asia Pacific Index, ¼ là cổ phiếu Trung Quốc.

Nói cách khác, kỷ nguyên của đầu tư thụ động đã đặt hàng tỷ USD vào cái gọi là quyết tâm cải cách của Bắc Kinh. Tuy nhiên, cú sập hồi tuần qua trở thành lời nhắc nhở cho các nhà đầu tư.

Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang tiến hành hàng loạt biện pháp mạnh tay ở một loạt các lĩnh vực, từ công nghệ tới giáo dục, quét sạch khoảng 1.000 tỷ USD khỏi giá trị vốn hóa các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại đại lục, Hồng Kông và ở Mỹ trong tuần qua.

Một tuần tắm máu của chứng khoán Trung Quốc hé lộ rủi ro với các quỹ đầu tư toàn cầu - Ảnh 1.

Khi thua lỗ, các nhà đầu tư thoát hàng. Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, các nhà đầu tư đã rút 4,9 tỷ USD khỏi các quỹ ETF đầu tư vào Trung Quốc trong năm 2020, biến nó trở thành xu hướng rút tiền mạnh nhất trên thế giới. Nó cũng làm dấy lên câu hỏi về tỷ trọng của các cổ phiếu Trung Quốc trong các rổ chỉ số chính.

"Nếu bạn là một nhà đầu tư thụ động mong muốn một thứ gì đó như là tỷ suất sinh lời đáng tin cậy, một sự ổn định và ít rủi ro (khi đầu tư vào Trung Quốc) thì có lẽ bạn đã lầm. Danh mục của bạn có thể về 0 sau một đêm chỉ vì sắc lệnh của Chính phủ. Thực sự, nó rất rủi ro", Soren Aandahl, nhà sáng lập công ty bán khống Blue Orca Capital có trụ sở tại Texas, cho biết.

Cùng với đó, Aandahl cũng cho rằng đầu tư vào một quỹ thụ động nhắm tới thị trường Trung Quốc buộc phải tính tới những rủi ro mà họ có thể gặp phải, cân nhắc xem lợi nhuận có tương xứng với rủi ro đó hay không.

Sự kiểm soát mạnh mẽ của Chính phủ Trung Quốc với nền kinh tế vốn đã là trăn trở từ lâu của các nhà đầu tư nước ngoài muốn cưỡi con sóng tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Bên cạnh đó, sự can thiệp khi cần thiết của "đội tuyển quốc gia", bao gồm các quỹ do nhà nước hậu thuẫn tiếp tục làm dấy lên những quan ngại về sự kiểm soát vốn hay tính minh bạch của thị trường.

Tại Goldman Sachs, tuần qua đã có một số khách hàng đặt câu hỏi về khả năng tiếp tục đầu tư ở thị trường chứng khoán Trung Quốc. Cụm từ "không thể đầu tư" cũng đã xuất hiện trong những cuộc trò chuyện gần đây giữa ngân hàng này với các khách hàng xung quanh việc rót tiền vào các cổ phiếu Trung Quốc.

Các chiến lược gia của Viện đầu tư BlackRock gần đây cũng đã đánh giá thị trường Trung Quốc theo một danh mục riêng.

Tất nhiên, đối với các nhà đầu tư kinh nghiệm trên các thị trường mới nổi, sự biến động bắt nguồn từ Chính phủ Trung Quốc không phải điều mới mẻ. Một số nhà quản lý quỹ chỉ ra rằng Bắc Kinh, đơn giản là có xu hướng "chống chu kỳ". Theo đó, họ sẽ đẩy mạnh các chính sách khi môi trường vĩ mô đang có vẻ được cải thiện.

Một tuần tắm máu của chứng khoán Trung Quốc hé lộ rủi ro với các quỹ đầu tư toàn cầu - Ảnh 2.

Hàm ý là bạn vẫn có thể tránh được những tổn thất nặng nề nhất nếu chuẩn bị sẵn sàng hoặc đủ nhanh. Cathie Wood là ví dụ hoàn hảo. Ark Investment Management của bà đã hạn chế cổ phiếu công nghệ Trung Quốc trong danh mục của mình ngay trước khi tình hình trở nên tồi tệ nhất.

Những gì đang diễn ra cho thấy việc đầu tư thụ động đã không còn phù hợp. Thay vào đó, các nhà đầu tư có thể chọn các công ty với những chính sách ngành hỗ trợ nhiều hơn. Có bằng chứng cho điều này. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Trung Quốc bị bán tháo mạnh mẽ trong tuần qua, cổ phiếu và các công ty sản xuất xe điện hay chất bán dẫn vẫn đang được mua vào.

Các chính sách mà Trung Quốc công bố vài tuần gần đây nhằm tăng cường khả năng tiếp cận với giáo dục, mang lại sự cạnh tranh cho thị trường cũng như cải thiện quyền của người lao động hoàn toàn không phải điều bất ngờ. Đây cũng chính là các mục tiêu mà Trung Quốc hướng tới trong kế hoạch 5 năm mới nhất.

Theo những người tin tưởng, các chính sách của Trung Quốc có thể góp phần cải thiện nền kinh tế, tạo ra một thị trường mạnh hơn. Tuy nhiên, tốc độ ban hành các quy định đã khiến các nhà đầu tư mất cảnh giác. Điều đó buộc nhiều người phải cân nhắc kỹ hơn về mức độ rủi ro mà họ có thể phải đối mặt ở những cú sốc trong tương lai.

Vivian Lin Thurston, quan chức cấp cao tại William Blair Investment Management, cho biết: "Chúng tôi đảm bảo sẽ đánh giá lại một cách chu đáo và kỹ lưỡng trước khi có bất cứ quyết định nào với danh mục đầu tư. Chúng tôi sẽ đặc biệt xem xét những tác động có ý nghĩa mà những diễn biến này mang lại với các khoản đầu tư vào Trung Quốc nói chung".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại