Một nhóm người đang là “gánh đỡ” của nền kinh tế, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số siêu già năm 2056

Nhật Minh |

Khoảng gần 90% tổng giá trị thặng dư toàn xã hội do lao động trong độ tuổi này tạo ra. Đây không phải là một lợi thế cho nền kinh tế Việt Nam khi dân số đang trong thời kỳ già hóa nhanh.

Việt Nam cần duy trì mức tăng năng suất để đạt lợi tức nhân khẩu học thứ hai năm 2040

Theo báo cáo Tổng quan Tài khoản chuyển nhượng quốc gia (TKCNQG) Việt Nam mới đây của Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc, tỷ số hỗ trợ kinh tế của Việt Nam từ năm 2018 đến 2023 và dự báo đến năm 2069 liên tục giảm. Vì vậy, biến đổi trong cơ cấu tuổi của dân số Việt Nam không còn đem lại lợi thế cho tăng trưởng kinh tế. Thời kỳ lợi tức nhân khẩu học thứ nhất ở Việt Nam đã kết thúc.

Báo cáo khuyến nghị, Việt Nam cần tích cực triển khai các giải pháp tăng năng suất lao động kết hợp với các chính sách tạo việc làm, khuyến khích tăng tỷ lệ tham gia lao động, đặc biệt là tỷ lệ tham gia lao động ở nhóm người cao tuổi để góp phần tạo thêm thu nhập, giúp giảm thiểu "thâm hụt vòng đời kinh tế" từ đó cải thiện tỷ số hỗ trợ kinh tế để đạt được lợi tức nhân khẩu học thứ hai.

Một nhóm người đang là “gánh đỡ” của nền kinh tế, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số siêu già năm 2056- Ảnh 1.

Nghiên cứu TKCNQG chỉ ra rằng, nếu thực hiện tốt các chiến lược, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần của Quyết định số 1305/QĐTTg ngày 08 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ có mức tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2023-2030 là 6,5%/năm, cao hơn mức tăng của năm 2022 là 1,7 điểm phần trăm. Mức tăng năng suất này nếu được duy trì đến năm 2030, Việt Nam sẽ đạt lợi tức nhân khẩu học thứ hai đến những năm 2040.

Theo quan điểm TKCNQG, lợi tức nhân khẩu học mà một quốc gia có được không chỉ dựa vào cơ cấu tuổi của dân số mà còn phải dựa trên hiệu quả kinh tế giữa sản xuất và tiêu dùng.

Hiệu quả kinh tế giữa sản xuất và tiêu dùng được đo lường thông qua tỷ số hỗ trợ kinh tế. Đây là tỷ số so sánh giữa tổng thu nhập từ lao động và tổng chi tiêu dùng cuối cùng. Trong một thời kỳ nhất định, dân số có tỷ số hỗ trợ kinh tế tăng trưởng dương là dân số đạt được lợi tức nhân khẩu học. Lợi tức nhân khẩu học sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho nền kinh tế tăng trưởng và phát triển. Lợi tức nhân khẩu học theo quan điểm TKCNQG, gồm 2 loại: lợi tức nhân khẩu học thứ nhất và lợi tức nhân khẩu học thứ hai.

Một nhóm người đang là "gánh đỡ" của nền kinh tế

Năm 2022, tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi của Việt Nam là 67,4%, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên lần lượt là 24,1% và 8,5%. Xét về cấu trúc tuổi của dân số, Việt Nam đang ở trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng", khi mà nhóm dân số lao động tạo ra thu nhập để bù đắp các khoản chi tiêu của mình và "gánh đỡ" nhóm dân số phụ thuộc trong nền kinh tế Việt Nam (từ 22 đến 53 tuổi).

Độ tuổi rực rỡ nhất để lao động tạo ra thặng dư kinh tế thuộc về nhóm tuổi từ 25 đến 49 tuổi. Khoảng gần 90% tổng giá trị thặng dư toàn xã hội do lao động trong độ tuổi này tạo ra. Đây không phải là một lợi thế cho nền kinh tế Việt Nam khi dân số đang trong thời kỳ già hóa nhanh với số người từ 60 tuổi trở lên tăng mạnh qua các năm. Theo dự báo, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2036 và dân số siêu già vào năm 2056.

Một nhóm người đang là “gánh đỡ” của nền kinh tế, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số siêu già năm 2056- Ảnh 2.

Bên cạnh đó, khoảng thời gian tạo ra giá trị thặng dư kinh tế của dân số Việt Nam là khoảng 31 năm. Đây là một trong những bất lợi cho Việt Nam trong bối cảnh dân số đang già hóa nhanh.

Vì vậy, báo cáo khuyến nghị Việt Nam cần bố trí nguồn lực cần thiết để đầu tư cho y tế và giáo dục. Mặc dù trong ngắn hạn, đầu tư cho y tế và giáo dục có thể làm tăng chi phí và tạo thêm thâm hụt vòng đời nhưng các khoản đầu tư này vẫn là biện pháp can thiệp quan trọng để đảm bảo tương lai dài hạn cho người dân Việt Nam. Tăng cường nguồn lực đầu tư vào sức khỏe và giáo dục một mặt sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, mặt khác sẽ giúp dân số kéo dài khoảng thời gian tạo ra giá trị thặng dư, cải thiện tình trạng thâm hụt, đạt được lợi tức nhân khẩu học.

Ngoài ra, trên quan điểm TKCNQG, Việt Nam không còn lợi thế về cơ cấu tuổi của dân số nhưng đất nước ta vẫn đang ở trong thời kỳ "dân số vàng" với lực lượng lao động trẻ dồi dào. Dự báo thời kỳ này sẽ kéo dài ít nhất 10 năm nữa. Do đó, các chính sách để tận dụng thời kỳ "dân số vàng", đặc biệt là chính sách tạo việc làm và việc làm thỏa đáng cho người lao động vẫn còn nguyên giá trị và cần phải tiếp tục triển khai thực hiện tốt đảm bảo hiệu quả kinh tế và ổn định xã hội.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại