Nghề "phi thủ"
Cơn mưa đột ngột ập xuống, cuối cùng cũng cho phép Dương Chí Dũng có cơ hội dừng lại hít thở.
"Trước đây, vào lúc 4h sáng, khi hầu hết mọi người vẫn đang ngủ say, tôi đã phải cùng nhóm của mình bận rộn ở ngoài ruộng.Chúng tôi đều là những 'phi thủ" thực thụ trong ngành nông nghiệp", anh bắt đầu kể lại câu chuyện về sự nghiệp của mình. "Phi thủ", còn gọi là phi công lái máy bay không người lái, từ tháng 4 năm nay đã được Bộ nhân lực và An Sinh xã hội Trung Quốc liệt kê là một trong 13 nghề mới.
Dương Chí Dũng và nhóm phi thủ của mình.
Mùa hè nóng nực chính là thời điểm sâu bọ phát triển mạnh. Đây cũng là thời điểm bận rộn nhất của những người làm nông nghiệp. "Đôi khi chỉ muốn cầu mưa, mệt mỏi quá!", Dương hất tóc, tự nhủ: "Không có thời gian để chải chuốt, sáng nào cũng mở mắt ra là làm việc, có khi bận đến 2 giờ đêm mới hết được việc.
"Trong năm, tháng 4 - 10 là mùa làm việc chính. Có khi chỉ ngủ được 2 tiếng một ngày", anh chia sẻ thêm.
Cả 4 người đã được cấp giấy hành nghề "phi thủ".
Với sự công nhận của nghề nghiệp mới này, thị trường máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp ở Trung Quốc đã thực sự bùng nổ. Số lượng người sở hữu thiết bị cũng tăng theo cấp số nhân. Theo "Báo cáo phân tích về tình trạng việc làm của nghề lái máy bay không người lái" do Bộ Nhân lực và An sinh xã hội công bố, tổng số "phi thủ" ở Trung Quốc hiện có hàng trăm nghìn người. Lĩnh vực việc làm chính là chụp ảnh trên không, quay phim, bảo vệ an ninh và lâm nghiệp. Trong đó công việc khảo sát và lập bản đồ là chủ yếu, chiếm hơn 55% trong tổng số.
Theo thống kê chưa đầy đủ của IDC cho thấy số lượng máy bay không người lái ở Trung Quốc vượt quá 1 triệu chiếc. Dự đoán vào cuối năm 2019, con số này sẽ đạt 1,96 triệu, bao gồm 1,5 triệu thiết bị phục vụ dân dụng và phần còn lại phục vụ trong các ngành nghề công, nông nghiệp. Nhu cầu về "phi thủ" mỗi năm là gần 1 triệu người.
4 ngày chuẩn bị, 1 giờ điều khiển
Dương có một chiếc xe tải chở hàng hiệu Trường An, trên xe luôn có những gói bánh quy để khi đói còn tiện lấp bụng. Bởi bình thường, khi ra ngoại ô phun thuốc, có thể ăn một bữa ăn ngon lành là điều thực sự may mắn đối với những "phi thủ" như Dương, đặc biệt trong những ngày bận rộn.
Khu vực nơi anh đang làm việc là ở Chương Châu, tỉnh Hà Bắc, một thành phố cách Bắc Kinh 70km. Nơi đây là quê hương của Lưu Bị, Trương Phi, cũng là nơi các anh hùng lịch sử này "kết nghĩa vườn đào". Công việc chính hàng ngày của Dương là gọi điện thoại cho khách hàng. Nó thường chiếm tới 1/3 thời gian trong ngày của anh.
9h sáng mỗi ngày, anh cùng nhóm của mình có một cuộc họp nhỏ trước cửa nhà kho. Hôm nay mọi người sẽ đến nhà nông dân Tạ Xuân Nguyên, giúp họ phun thuốc cho ruộng lúa. Nhà của vị khách hàng này nằm ở phía Đông Bắc của thị trấn, một ngôi nhà 3 tầng xây hướng về 60 mẫu ruộng ngay trước mặt. Đây không phải là lần đầu tiên Dương tới đây để phun thuốc trừ sâu. Sau một hồi nói chuyện, cả nhóm bắt đầu chuẩn bị để đi đo đạc bản vẽ. Tất cả phải đeo ủng chống nước, đội mũ che nắng và dùng găng để che cho cánh tay.
Mỗi người sẽ cầm trên tay một chiếc máy đo dài, với phần đầu giống như cây nấm, bắt đầu tiến hành đo vẽ xung quanh cả mảnh đất, định rõ phạm vi và diện tích của cánh đồng lúa nước cần phun thuốc.
Sau đó, những dữ liệu này sẽ được truyền vào hệ thống riêng của thiết bị bay, cho phép nó hoạt động chính xác trong phạm vi định sẵn. Công việc cuối cùng là tìm ra tỷ lệ thuốc phù hợp để tiến hành pha.
Những loại thuốc trừ sâu ngày nay rất độc hại, chỉ một giọt cũng có thể gây ăn mòn da nên ai cũng phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Mặc dù đeo găng tay bằng nhựa chuyên dụng, sau khi pha thuốc xong, các thành viên trong nhóm vẫn phải dùng nước và xà phòng có tính kiềm mạnh chà rửa liên tục.
Sau khi mọi thứ đã sẵn sàng, hai máy bay không người lái chở đầy thuốc trừ sâu được đặt ở đầu ruộng để chờ cất cánh.
Trong vòng chưa đầy một giờ, 60 mẫu đất đã được phun thuốc trừ sâu.
Dương cho biết, cách làm nông nghiệp theo kiểu cũ rất mệt mỏi và tốn thời gian. Một người vác bình thuốc 30 cân, phải mất 4 ngày mới phun xong 60 mẫu đất, mà thuốc vẫn không thể phun được đều. Các phương pháp cũ đôi khi cũng khiến chính người phun thuốc bị ngộ độc. Chưa kể việc đứng lâu dưới nắng cũng có thể khiến họ kiệt sức mà chết.
"Những năm trước đã có trường hợp như vậy xảy ra", anh cho biết.
Giờ đây, những người lớn tuổi đã không còn sức lực để làm công việc nặng nề này, còn những người trẻ cũng không muốn làm việc đó. Cho nên, nông dân dần từ bỏ phương pháp phun thuốc sâu kiểu cũ, chuyển sang dùng máy bay không người lái.
Tuy nhiên, việc dùng drone đôi khi cũng có nhiều rủi ro. Ví dụ như trong thời tiết sương mù, máy bay có thể định hướng nhầm hoặc khi có gió mạnh, thuốc sẽ bị đẩy sang các khu vực khác. Trong hai năm gần đây, nhiều vụ máy bay không người lái phun thuốc diệt cỏ không đúng nơi quy định đã bị kiện ra tòa. Do đó, nhóm của anh luôn cần phải lưu ý để phòng tránh các sự cố không mong muốn.
Cánh cửa mở của nền nông nghiệp Trung Quốc
Dương Chí Dũng tiếp xúc với máy bay không người lái lần đầu tiên hồi năm 2016. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh chọn đi lính, tham gia phụ trách việc xây dựng, bảo vệ an toàn và sửa chữa máy bay. Khi nghe các doanh nghiệp sản xuất máy bay không người lái mở khóa đào tạo "phi thủ", anh đã báo danh ngay từ những đợt đầu.
Anh mua chiếc drone đầu tiên trong đời bằng cách vay tín dụng, để trở thành một trong những người sử dụng kiêm giáo viên dạy phi thủ đầu tiên ở Trung Quốc. Giờ đây, tại quê nhà, Dương được biết đến là một người trẻ khởi nghiệp thành công.
"Người ta hay đồn nghề phi thủ luôn có mức lương cao", Dương Chí Dũng chia sẻ. Tuy nhiên anh tiết lộ ở các thành phố cấp huyện. thực sự thu nhập của những người làm nghề này không nhiều hơn so với những người làm công ăn lương bình thường, thậm chí còn không ổn định. "Thu nhập bình quân hàng tháng không vấn đề gì, nhưng cũng có tháng không kiếm được đồng nào", anh nói. "Chắc chắn phải chịu khổ, nếu không sẽ khó có thể bám trụ được".
Anh cho biết mùa đông, là thời điểm nhàn rỗi nhất vì không có người thuê. Trong thời gian này, anh sẽ theo dõi các sản phẩm thiết bị bay mới ra mắt, liên lạc với khách hàng cũ và mới, đẩy mạnh việc tân trang sửa chữa để chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho mùa vụ tiếp theo. Tất nhiên, Dương vẫn luôn chú trọng dành thời gian cho gia đình, đặc biệt là con trai của mình.
Năm nay, Dương cho biết thành tích của nhóm anh đã gấp đôi năm ngoái. Anh dự định mua thêm một chiếc xe ô tô, chia nhóm nhỏ 4 người của mình thành 2 để có thể mở rộng khu vực quản lý.
Theo phi thủ kỳ cựu này, máy bay không người lái đã mở một cánh cửa mới cho nông nghiệp trí tuệ và phun thuốc chỉ là công việc cơ bản nhất. Trong tương lai, drone sẽ có những ứng dụng mang tính chiều sâu hơn trong nông nghiệp, chẳng hạn như theo dõi sự phát triển hay tình hình dịch bệnh của cây trồng.
Dương có một giấc mơ là được bay lượn trên bầu trời. "Mọi cậu bé đều như vậy", anh nói.
"Hồi học phổ thông, tôi thích chơi mô hình máy bay nhưng lúc đó không có tiền để mua. Ngày lấy được giấy thông báo nhập ngũ, sau khi được phân công đi bảo dưỡng máy bay, lúc đó tôi còn phấn khởi cả nửa ngày. Sau khi giải ngũ, tôi cũng thường mua một số mô hình máy bay về tự lắp ráp, coi chúng như kho báu", Dương tâm sự. "Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với máy bay không người lái và lấy đó làm nghề, tôi mới thực sự cảm nhận và tận hưởng niềm vui được bay bổng. Tôi cảm giác như đã đến gần giấc mơ được bay của mình thêm một bước nữa".
Tham khảo Sina