Trong thông báo mới nhất, CTCP Đầu tư PVR Hà Nội (mã PVR ) cho biết đã nhận được Giấy xác nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cấp về việc Đầu tư PVR Hà Nội sẽ tạm ngừng kinh doanh từ ngày 15/11/2023 đến ngày 14/11/2024. Lý do để doanh nghiệp bất động sản này sắp xếp lại nhân sự và tìm hướng kinh doanh mới vượt qua những khó khăn.
Trong Nghị quyết của HĐQT hồi cuối tháng 10 trước đó, PVR cho biết công ty bị phong toả tài khoản tại các ngân hàng theo quyết định của Toà án và năm 2023 công ty không có kinh phí để duy trì hoạt động, dự kiến năm 2024 vẫn không có kinh phí.
Kinh doanh bất động sản nhưng "trắng" doanh thu, đem bạc tỷ đi đầu tư chứng khoán liên tục thua lỗ
Được biết, PVR tiền thân là CTCP Dầu khí Tản Viên, được thành lập vào năm 2007 với mục tiêu ban đầu là phát triển dự án Hồ Suối Hai, Tản Viên thành khu du lịch nghỉ dưỡng. Đến năm 2018, công ty đổi tên thành Đầu tư PVR Hà Nội như hiện tại, mục tiêu chủ yếu là đầu tư, thi công và kinh doanh các dự án bất động sản và dịch vụ du lịch thể thao kết hợp nghỉ dưỡng cao cấp. Tại ngày 31/12/2022, PVR có 5 nhân sự.
Cuối quý 3/2023, vốn điều lệ của PVR là 531 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông gồm 7 cổ đông lớn (3 cá nhân và 4 tổ chức) nắm 58,85% vốn. Bà Trần Thị Thắm hiện là cổ đông lớn nhất nắm gần 12,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 23,51% vốn).
Nguồn: BCTC PVR
Tình hình kinh doanh của PVR không mấy khả quan, công ty không ghi nhận doanh thu xuyên suốt 2 năm qua, chủ yếu lợi nhuận đến từ mảng tài chính. Tuy nhiên từ quý 2/2022, PVR liên tục thua lỗ từ lĩnh vực tài chính, khiến kết quả kinh doanh chung chìm trong thua lỗ. Phải tới quý 2/2023 PVR có khoản 2 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh. Kết quả lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, công ty lãi ròng hơn 1,4 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của PVR đạt 984 tỷ, tăng nhẹ hơn 1 tỷ so với đầu năm, trong đó có gần 111 triệu đồng tiền mặt, cộng thêm hơn 5 tỷ đồng đầu tư chính khoản kinh doanh với cổ phiếu Đầu tư tài chính Giáo dục EFI (dự phòng hơn 4 tỷ, lỗ gần 76%). Cuối quý 3, khoản lỗ lũy kế còn 79 tỷ đồng.
Ngoài ra, hai dự án do doanh nghiệp này phát triển là dự án CT10-11 Văn Phú, Hà Đông và Dự án Khu du lịch cao cấp Quốc tế Tản Viên (tên đã đổi là dự án Khu du lịch Quốc tế cao cấp Ba Vì) đều trong trạng thái dừng thi công/hoạt động.