Với dân số trên 90 triệu người, Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ xe máy hàng đầu thế giới.
Theo số liệu của ngành công thương, Việt Nam hiện có hơn 45 triệu mô tô, xe máy các loại, tương ứng cứ hai người Việt lại sở hữu 1 xe máy, trong khi quy hoạch của cơ quan quản lý là đến năm 2020 chỉ có 36 triệu xe.
Thành công của thị trường xe máy có nhiều lý do.
Đầu tiên là yếu tố tài chính, thu nhập của người Việt Nam còn thấp, trong khi ô tô bị đánh thuế phí cao.
Yếu tố tiếp theo là sự cơ động, linh hoạt. 20 năm trước, nền kinh tế Việt Nam còn chưa phát triển, xe máy không chỉ là phương tiện để di chuyển mà còn để vận tải hàng hoá.
Tuy nhiên, đến nay, xe máy đang dần đánh mất vị thế của mình. Thị trường xe máy những năm gần đây đã bão hoà và đang trong trạng thái khó tăng trưởng tiếp.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), doanh số xe toàn thị trường năm 2011 là 3,3 triệu chiếc thì sang năm 2012 giảm xuống còn 3,1 triệu chiếc và suốt các năm 2013, 2014 và 2015 đều ở dưới mốc 3 triệu xe.
Nguồn: VAMM/Honda Việt nam
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường xe máy sụt giảm là điều tất yếu, bởi kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, khiến thu nhập của nhiều gia đình tăng lên, trong khi môi trường ngày càng ô nhiễm.
Chính vì thế, người dân có xu hướng sở hữu ô tô để đi lại, thay vì ngồi xe máy. Đây là quy luật diễn ra tại hầu hết các nước trên thế giới.
Các hãng xe máy chắc chắn cảm nhận rất rõ điều này. Tiêu biểu là Honda, đơn vị đang nắm 70% thị trường xe máy Việt Nam.
Trong 2 năm 2012 và 2013, doanh số của Honda liên tục sụt giảm và đến năm 2014 mới có thể hồi phục lại những cũng chỉ ở mức 3%. Đến năm 2015 vừa qua, Honda mới quay trở lại được mốc doanh số 2 triệu xe.
Thị trường bão hoà, bản thân Honda Việt Nam trong báo cáo tháng 6/2016 cũng thừa nhận, "thị trường chung sẽ không tăng trưởng trong năm tới" nên chiến lược của Honda giờ đây chỉ còn là cố gắng giữ thị phần ở con số 70% và giành giật tối đa có thể từ các đối thủ.
Tuy nhiên, với thị phần đã lên tới 70%, lợi nhuận của Honda đã ở mức rất cao và việc nâng cao thêm thị phần sẽ không đem lại thêm quá nhiều lợi nhuận cho Honda, trong khi với viễn cảnh thị trường chung tiếp tục sụt giảm, lợi nhuận Honda sẽ giảm nhanh hơn các đối thủ.
Bên cạnh đó, thị trường suy giảm khiến Honda phải giải bài toán sản xuất.
Hãng xe vừa khánh thành nhà máy thứ 3 của mình vào năm 2014, đưa tổng công suất 3 nhà máy lên 2,5 triệu xe/năm, trong khi doanh số nội địa năm ngoái là 2,03 triệu chiếc và doanh số xuất khẩu chỉ 128.000 chiếc.
Tạm tính theo các con số này, hàng năm công ty sẽ "thừa" hơn 300 nghìn xe (tỷ lệ 12%).
Tất nhiên, Honda hoàn toàn có thể kiểm soát được việc sản xuất để tránh dư thừa quá nhiều xe, nhưng giảm sản xuất trong bối cảnh vừa đầu tư nhà máy mới là việc có lẽ không nhà lãnh đạo nào mong muốn.
Bài toán sản xuất khiến Honda phải tìm đường tiêu thụ mới những năm gần đây, mà cụ thể là tăng xuất khẩu.
Honda bắt đầu xuất khẩu xe nguyên chiếc từ năm 2012, là năm mà thị trường xe máy bắt đầu sụt giảm.
Đến nay, tổng số xe xuất khẩu đạt khoảng 225 nghìn chiếc, trong đó riêng năm 2015 xuất khẩu 128.000 chiếc, tăng trưởng 40% so với năm 2014.
Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm tới của Honda chỉ là 6,5%, một con số khá khiêm tốn.
Điều này có nghĩa doanh số xe xuất khẩu của Honda năm tới chỉ chiếm khoảng 5-6% công suất sản xuất. Honda sẽ phải cân đối giữa việc giảm sản xuất hoặc tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ hơn nữa.
Mặc dù vậy, Honda có lẽ vẫn đang hạnh phúc ở thị trường Việt Nam bởi lợi nhuận vẫn duy trì ở mức cao nhờ thị phần áp đảo.
Trong những năm tới, tuy thị trường không còn tăng trưởng nhưng vẫn đủ để đem lại lợi nhuận kếch xù cho hãng xe này.
Lợi nhuận Honda cao vượt trội so với các đối thủ cùng ngành.
Honda Việt Nam là liên doanh giữa 3 công ty Honda Motor Nhật Bản (42%), Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (30%) và Asian Honda Motor (28%).
Honda hiện có 3 nhà máy xe máy và 1 nhà máy ô tô đang hoạt động, với 10.208 công nhân viên.
Công suất của Honda là sản xuất 2,5 triệu xe máy/năm và sản xuất 10.000 ô tô/năm.