Mổ xẻ chiến thuật của Nga và Ukraine trên chiến trường

Bình Giang |

TPO - Giai đoạn đầu chiến dịch phản công của Ukraine nhằm giành lại những phần đất mà Nga đang kiểm soát bắt đầu một cách không phô trương từ nhiều tuần trước. Ngoài việc khẳng định lực lượng đang tiến lên, Kiev không cung cấp thông tin cụ thể về tình hình chiến trường.

Mổ xẻ chiến thuật của Nga và Ukraine trên chiến trường - Ảnh 1.

Lính Ukraine ở vùng Zaporizhzhia ngày 23/6. (Ảnh: AP)

Diễn ra gần như ngoài tầm quan sát của giới phân tích, chiến sự ở miền Đông và Nam Ukraine là cuộc đọ sức giữa lực lượng được phương Tây trang bị vũ khí và khí tài hiện đại với lực lượng Nga đã dành nhiều tháng để củng cố thế trận phòng thủ.

Theo các chuyên gia, Ukraine và Nga đang sử dụng những chiến thuật dưới đây:

Các chiến thuật của Ukraine

Chiến sự diễn ra ác liệt tại nhiều điểm dọc chiến tuyến dài 1.500km. Lực lượng Ukraine đạt được một số tiến triển ở sườn phía Bắc và Nam thành phố Bakhmut, nơi Nga giành được quyền kiểm soát từ tháng 5.

Giao tranh ở Zaporizhzhia thuộc mặt trận phía Nam cũng diễn ra gay cấn, khi lực lượng Ukraine chỉ đạt một số tiến triển nhỏ vì vấp phải lớp lớp phòng thủ của Nga.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar gần đây khẳng định quân Ukraine đã phá hủy 6 kho đạn dược của Nga chỉ trong vòng 24 giờ. Phát biểu của quan chức này gợi ý về chiến thuật mà Ukraine đang sử dụng.

“Chúng tôi giáng những đòn hiệu quả, đau đớn và chính xác và khiến đối phương chảy máu, những người thiếu đạn dược và nhiên liệu cuối cùng sẽ chết”, bà nói.

Đầu tháng này, Đô đốc Tony Radakin, tham mưu trưởng quốc phòng Vương quốc Anh, nói rằng đây là mục tiêu hàng đầu của Ukraine: Cô lập các đơn vị Nga bằng cách dùng tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp để tấn công các trung tâm hậu cần và chỉ huy của Nga ở phía sau. Ukraine cũng cố gắng kéo căng các nguồn lực của Nga bằng cách tấn công đồng thời nhiều điểm dọc chiến tuyến.

Theo ông Radakin, Ukraine sẽ bước sang giai đoạn phản công toàn diện nếu Nga thất thủ tại một điểm trên chiến trường. Khi đó, lực lượng dự bị của Kiev sẽ vượt qua hàng phòng thủ để tràn vào trong.

“Tôi gọi đó là chính sách bỏ đói, kéo căng và tấn công”, ông Radakin phát biểu trước một ủy ban thuộc Quốc hội Anh.

Ông Radakin nhấn mạnh rằng Ukraine thiếu hỗ trợ từ trên không khi triển khai tấn công. Kiev được phương Tây cam kết sẽ cung cấp tiêm kích F-16, nhưng dự kiến phải đến năm sau mới nhận được. Ukraine cũng đề nghị cung cấp thêm vũ khí tầm xa và đạn dược.

Tuần trước, Mỹ gửi bom chùm cho Ukraine để giúp Kiev tăng cường năng lực tấn công. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông hy vọng loại bom này sẽ giúp chặn các xe tăng Nga vì “người Ukraine sắp hết đạn dược”.

Các chiến thuật của Nga

Lực lượng Nga đang dùng một lượng lớn mìn chống tăng để làm chậm chiến dịch phản công bằng thiết giáp của Ukraine ở miền Nam. Bên cạnh đó, Nga cũng huy động máy bay không người lái, trực thăng và pháo binh tấn công đáp trả.

Ngay cả khi cố thủ phía sau các lớp chiến hào, hào chống tăng và các chướng ngại vật khác nhiều kilômét, lực lượng Nga vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Tiêu hao trên chiến trường làm giảm giảm sức mạnh quân sự của Mátxcơva.

Ông Radakin nói rằng Nga đã mất khoảng một nửa sức mạnh chiến đấu kể từ khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt đầu năm ngoái. Bên cạnh đó, các nhà máy của Nga không thể cung cấp đủ đạn dược để thay thế số đã sử dụng trên chiến trường, ông nói.

Cũng theo vị tướng này, Nga đã sử dụng khoảng 10 triệu quả đạn pháo ở Ukraine, trong khi chỉ có thể sản xuất 1 triệu quả mới. Tương tự, họ đã mất hơn 2.000 xe tăng nhưng chỉ sản xuất được 200 xe thay thế.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, gần đây nhận định cuộc phản công của Ukraine sẽ “rất dài” và “rất đẫm máu”.

Khi thời tiết xấu đi, các bên tham chiến sẽ phải kiểm kê và chuẩn bị cho một đợt chiến tranh tiêu hao nữa trong mùa đông năm nay.

Theo các nhà phân tích phương Tây, chiến dịch phản công dù thành công cũng sẽ không kết thúc cuộc chiến. Tuy nhiên, nó có thể trở thành giai đoạn mang tính quyết định và tăng cường vị thế cho Kiev nếu hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Ukraine cũng muốn chứng tỏ với phương Tây thấy rằng việc họ viện trợ vũ khí là đáng làm.

Theo ABC News

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại