Chỉ trong vòng 50 năm, từ một trong những nền kinh tế nghèo nhất Trung Đông, Qatar đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia giàu có hàng đầu thế giới.
Theo thống kê, trong suốt nhiều năm, Qatar luôn đứng trong top 5 các nước giàu nhất thế giới tính theo GDP đầu người. Cụ thể, GDP bình quân đầu người của nước này đã tăng từ 2.755 USD (khoảng 68 triệu đồng) vào năm 1970 lên con số khổng lồ hơn 61.000 USD vào năm 2021 (khoảng 1,4 tỷ đồng).
Làng chài nghèo khó “bỗng” phát hiện mỏ dầu
Qatar là quốc gia thuộc khu vực Tây Á, nằm ở phía Đông Bắc vùng duyên hải của bán đảo Ả Rập. Kể từ đầu những năm 1900, Qatar chủ yếu sống nhờ đánh bắt cá và ngọc trai. Đất nước này từng rất nghèo khổ và gặp khó khăn lớn về tài chính khi ngành buôn bán ngọc trai sụp đổ vào những năm 1920.
Tuy nhiên vào năm 1939, Qatar đã phát hiện mỏ dầu đầu tiên tại thành phố Dukhan. Đến năm 1949, hoạt động phát triển khai thác dầu vẫn diễn ra tương đối chậm chạp nhưng nó cũng đã đánh dấu bước ngoặt thay đổi lớn của làng chài nghèo Qatar.
Năm 1951, quốc gia này đã sản xuất 46.500 thùng dầu/ngày và đạt doanh thu 4,2 triệu USD. Sau đó, các mỏ dầu ngoài khơi mới đã dần dần được phát hiện. Cùng với sự vào cuộc của Shell, sản lượng khai thác dầu của Qatar đã chạm mốc 233.000 thùng/ngày.
Một tàu chở dầu của Qatar
Nhờ doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ, nước này đã bắt đầu thực hiện công cuộc hiện đại hóa. Các dự án xã hội, nhà ở, trường học, bệnh viện và nhà máy điện đã được hình thành.
Bước ngoặt “nghịch thiên cải mệnh” nhờ mỏ khí tự nhiên
Năm 1971, đúng thời điểm Qatar giành được độc lập, nước này đã phát hiện ra mỏ khí tự nhiên lớn nhất thế giới - South Pars/North Dome (thuộc hai nước Iran và Qatar). Tuy nhiên, do tập trung sản xuất dầu, mỏ North Dome (North Field) lúc đó chưa được tập trung phát triển.
Nhưng một bước ngoặt đã xảy ra. Vào những năm 1980, giá dầu lao dốc mạnh khiến kinh tế Qatar rơi vào cảnh khốn cùng.
Vì vậy, năm 1989, nước này đã bắt đầu khai thác North Field nhưng quá trình còn chậm chạp. Phải cho đến khi Hamad bin Khalifa Al-Thani lên nắm quyền, ông đã chính thức thực hiện kế hoạch “lột xác” cho Qatar. Ông nhanh chóng đưa ra quyết sách tăng tốc khai thác mỏ khí North Field.
Cụ thể, North Field là một trong những mỏ khí đốt lớn nhất thế giới, được Qatar và Iran chia sẻ. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mỏ này chứa ước tính 51 nghìn tỷ mét khối khí tự nhiên tại chỗ và khoảng 7,9 tỷ mét khối khí ngưng tụ. Trữ lượng của nó chiếm khoảng 7,5% trữ lượng khí đốt của thế giới (ước tính năm 2017).
North Field có diện tích khoảng 9700 km2 , trong đó 3700 km2 thuộc về Iran và phần còn lại thuộc Qatar. Mỏ nằm ở độ sâu 3.000 mét so với mực nước biển.
Từ đó, lần đầu tiên Qatar trở thành nước xuất khẩu khí tự nhiên. Đây chính là “bước ngoặt” đã đưa làng chài nhỏ bé trở thành một cường quốc trên bản đồ thế giới.
Nhu cầu tăng cao, Qatar bắt đầu xây các nhà máy khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) - 15 năm đầu với 14 nhà máy mới cùng với sự hợp tác của các công ty dầu mỏ quốc tế.
Năm 1997, Qatar bắt đầu cung cấp lượng lớn khí đốt tự nhiên cho Tây Ban Nha và Nhật Bản. Dần dần, GDP nước này đã tăng lên không ngừng.
Chưa hết, để phòng tránh trường hợp cạn kiệt tài nguyên, Qatar đã cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế. Năm 1998, quốc gia đã này xây dựng khu tổ hợp giáo dục Education City, đặt chi nhánh của 6 trường đại học Mỹ và hai trường châu Âu, cũng như nhiều trung tâm nghiên cứu khác.
Qatar đã thành lập Quỹ đầu tư quốc gia - Qatar Investment Authority (QIA) với khối tài sản ước tính lên tới 445 tỷ USD (2023) - nhờ doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. QIA cùng đã từng đầu tư vào Barclays Bank, Harrods, Porsche, Volkswagen và cả câu lạc bộ bóng đá Pháp - Paris Saint-Germain.
Thông qua quỹ, Qatar cũng đã trở thành một trong những chủ sở hữu bất động sản lớn nhất London.
Năm 2006, Qatar đã vượt Indonesia để trở thành nước xuất khẩu khí tự nhiên lớn nhất thế giới. Nguồn thu từ dầu mỏ và khí tự nhiên chiếm phần lớn trong GDP của nước này. Tính đến nửa đầu năm 2022, doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt của Qatar đã lên tới 32 tỷ USD.
Tổng hợp