Vũ khí công nghệ cao
Theo ông Ilya Tarasenko, chiến đấu cơ thế hệ mới MiG-35 có thể mang tất cả các loại vũ khí được trang bị cho lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga, bao gồm cả vũ khí laser.
Trong khi đó, tại cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên Sputnik, ông Dmitry Drozdenko, Phó tổng biên tập tạp chí quân sự "Kho vũ khí của Tổ quốc" giải thích thêm về những tính năng của vũ khí laser trên máy bay chiến đấu hạng nhẹ.
"Đôi mắt của phi cơ chiến đấu hiện đại là các loại cảm biến quang học và điện tử. Vũ khí laser có khả năng vô hiệu hóa các thiết bị đó, có thể gây nhiễu quy mô lớn. Như vậy, lợi thế của phương Tây trong lĩnh vực điện tử sẽ bị xóa nhòa.
Ở đây không nói về vũ khí laser từ bộ phim "Star Wars" có khả năng tiêu diệt tàu vũ trụ, bởi vì để vận chuyển một pháo laser lớn như vậy phải có máy bay cỡ lớn.
Không thể tạo ra chùm tia laser mang theo năng lượng to lớn như vậy trên cơ sở của các đối tượng nhỏ, nhưng, vẫn có thể gây thiệt hại không thể khắc phục được cho hệ thống điện tử", ông Dmitry Drozdenko cho biết.
MiG-35 trong lần đầu ra mắt
Theo ông, máy bay MiG-35 có triển vọng xuất khẩu, trong số những khách hàng tiềm năng có thể mua lô hàng lớn có Ấn Độ, Kazakhstan, Peru và một số quốc gia khác.
"Máy bay có tiềm năng xuất khẩu lớn, vì không phải tất cả các nước đều có nhu cầu về máy bay tiêm kích tầm xa, chẳng hạn như Su-35. Đối với chúng tôi điều quan trọng nhất là duy trì sức cạnh tranh. Máy bay MiG của Nga là một thương hiệu nổi tiếng.
Về nguyên tắc, thương hiệu này đã, đang và, tôi hy vọng, sẽ còn tồn tại trên thị trường. Ấn Độ đã đặt mua các máy bay MiG cho tàu sân bay của họ, và các nước khác cũng có nhu cầu về máy bay loại này, đặc biệt vì nó được trang bị các loại vũ khí hiện đại, bao gồm cả vũ khí laser", chuyên gia Nga cho biết.
Phương Tây hoài nghi
Theo RT, hồi cuối tháng 1/2017, trong buổi lễ ra mắt tiêm kích MiG-35, Giám đốc Tập đoàn Sản xuất Máy bay Thống nhất (UAC) Yury Slyusar cho biết số lượng giá treo vũ khí trên MiG-35 được tăng từ 6 lên 8, cho phép nó mang nhiều loại khí tài, kể cả vũ khí laser.
Tuyên bố này ngay sau đó bị một số chuyên gia cho rằng chỉ là phát biểu nhầm lẫn không đáng có. Chuyên gia quân sự Mỹ Michael Kofman nói, ông Slyusar đã nói nhầm về tính năng của MiG-35, bởi trong thời điểm hiện tại và tương lai gần, vũ khí laser chưa thể triển khai các chiến đấu cơ.
Vị chuyên gia này cho rằng, vũ khí laser là những hệ thống có kích thước khá cồng kềnh, đòi hỏi nguồn cung cấp năng lượng rất lớn, không thể lắp đặt trên chiến đấu cơ như MiG-35 hay bất kỳ chiến đấu cơ nào khá trên thế giới hiện nay.
Michael Kofman nhấn mạnh, Không quân Mỹ cũng mới chỉ lắp vũ khí laser để thử nghiệm trên máy bay cỡ lớn như Boeing 747. Chuyên gia này cho rằng, có thể ông Slyusar nhầm lẫn giữa việc MiG-35 mang được vũ khí dẫn đường bằng laser với mang được vũ khí laser.
Nhận định của chuyên gia Michael Kofman được cho là khá hợp lý tuy nhiên, tuyên bố của ông Yury Slyusar khó có thể là sự nhầm lẫn bởi ngay trước đó, Tư lệnh lực lượng hàng không vũ trụ Nga, ông Viktor Bondarev cũng đã tiết lộ rằng, trong những vũ khí đỉnh cao của MiG-35 sẽ bao gồm vũ khí laser.
Vì vậy, vấn đề ở đây là thời điểm ông Yury Slyusar tiết lộ vũ khí công nghệ cao này chưa thích hợp và đây có thể chính là nguyên nhân khiến truyền thông Nga không muốn dư luận chú ý đến tuyên bố trên.
Hệ thống vũ khí laser của Nga được giới phân tích quân sự Mỹ và NATO rất quan tâm do Moscow có thể rút ngắn thời gian phát triển bằng những thành tựu có được từ thời Liên Xô.
Chương trình nghiên cứu vũ khí laser của Nga được đánh giá là có thể sánh ngang thậm chí vượt trước Mỹ, và được cải tiến, tích hợp nhiều công nghệ hiện đại, mang đặc trưng riêng của nền công nghiệp quốc phòng nước này.