Vốn là một người mẹ đơn thân với nhiều quan điểm sâu sắc, nghệ nhân Ẩm thực Đoàn Thu Thủy có lẽ không còn xa lạ gì với các bậc phụ huynh, nhất là chị em phụ nữ.
Bên cạnh vai nhiều vai trò trên thương trường khi vừa là giám đốc của một công ty về vận tải biển, vừa là chủ sở hữu của ba nhà hàng rất có tiếng tăm tại TP. HCM, chị cũng thường dành thời gian của mình để chia sẻ những kinh nghiệm dạy con đầy quý báu đến cho những ai quan tâm.
Và mới đây, tiếp nối một chuỗi bài viết dạy con đã khiến mạng xã hội không ít lần dậy sóng như: "Đừng mua chiếc túi trị giá 300 đô mà không có gì trong đó không có gì", "đừng chọn chồng già dù có là đại tỷ phú",...
Đoàn Thu Thủy đã thẳng thắng nói về tầm quan trọng của sự tự tin đối với con trẻ, cũng như là gay gắt bày tỏ quan điểm: Đôi khi "thiên tài" hay "đần độn" chỉ là cách cha mẹ đã đối xử với con mình thế nào.
Cụ thể, chị đã viết trên trang cá nhân của mình như sau:
"Hãy trao cho con sự tự tin.
Trong phim "Kẹp hạt dẻ và bốn vương quốc" có một chi tiết mà tôi thấy các bậc cha mẹ cần phải khơi gợi và trao cho con mình. Đó là sự tự tin và tìm kiếm sức mạnh từ chính bên trong của mỗi con người.
Mẹ Carla mất và để lại cho cô bé một quả trứng kỳ lạ không có chìa khóa cùng với bức thư ghi "con sẽ tìm thấy những thứ con cần từ bên trong", trong hành trình đi tìm chiếc chìa khóa để mở quả trứng, cô bé nhận ra rằng cái cô cần tìm đó là sự tự tin từ bên trong con người của cô, đó là điều mẹ cô muốn cô tìm ra.
Khi có sự tự tin người ta có thể làm được những thứ tưởng chừng rất khó. Khi có sự tự tin người ta tìm thấy sức mạnh từ bên trong của chính mình.
Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi người cha người mẹ hãy trao cho con mình sự tự tin bằng những lời động viên dù con mình có giỏi hay dở. Một đứa trẻ dù có dở thế nào thì lời động viên, khích lệ cũng sẽ làm cho con cố gắng hơn, làm tốt hơn.
Có một giai thoại về thiên tài Thomas Edison: Khi giáo viên tiểu học của Edison viết thư cho mẹ cậu bé với nội dung: "Con trai bà là một kẻ đần độn. Chúng tôi sẽ không để nó đến trường nữa".
Nhưng bà đã đọc cho cậu bé nghe rằng: "Con trai bà là một thiên tài. Trường học này quá bé và không có giáo viên đủ tốt để đào tạo nó. Xin hãy để nó tự dạy chính mình". Và chính bà đã dạy cho con học. Chính niềm tin, sự động viên khích lệ đã tạo nên một thiên tài.
Mỗi con người đều có một khả năng tiềm ẩn nào đó. Tùy vào hoàn cảnh, tùy vào sự dẫn dắt của gia đình mà khả năng đó phát tiết hay bị chôn vùi.
Mấy năm trước, khi tôi gợi ý con gái làm một kênh riêng trên Youtube, con nói: "Con chưa thấy tự tin", tôi đã động viên: "Con hãy thử đi, không khó đâu, hãy xem như là một sự trải nghiệm. Mẹ tin con làm được".
Năm sau đó con bày tỏ: "Giờ con đã sẵn sàng". Từ một cô bé nhút nhát trước đám đông, cô gái ấy đã mạnh dạn đứng trước ống kính, nói năng mạch lạc và đã tự có những ý tưởng của riêng mình.
Động viên chứ đừng chế giễu.
Hôm đi Phú Quốc, trên chuyến xe từ sân bay về khách sạn, tôi ngồi cạnh một gia đình có cậu con trai khoảng 10 tuổi được phân công trông chừng hai cô em gái trạc 5 tuổi và 3 tuổi. Cha mẹ của cậu bé ăn mặc đẹp và có vẻ trí thức, ba đứa con xinh đẹp kháu khỉnh.
Nhưng rồi tôi lặng người khi cha cậu bé mở miệng mắng cậu trước hơn 40 người trên xe: "Mày không xứng đáng làm anh, kêu lo cho em mà cũng làm không xong".
Tôi ngồi cạnh cậu bé đỡ lời: "Con trai mới bao nhiêu tuổi đây làm vậy là giỏi rồi". Mẹ nó nhào vô bồi một câu: "Chị đừng có bênh nó, lớn đầu vậy rồi mà giữ em cũng không xong, để em khóc".
Tôi nổi giận thật sự. Không lẽ tôi gào vào mặt hai vợ chồng đó rằng: "Hai người mới không đáng làm cha mẹ".
Con người ai cũng có sĩ diện dù nhỏ hay lớn. Những câu mắng chửi, miệt thị sẽ lưu mãi trong ký ức của một đứa trẻ và theo nó suốt đời. Tôi nghĩ tôi sẽ như con hổ lao vào cào cấu, cắn xé bất cứ kẻ nào mắng con tôi "ngu".
Chính vì vậy nên tôi làm việc như trâu bò để con tôi được học và lớn lên trong một môi trường mà mỗi đứa trẻ được tôn trọng tuyệt đối.
Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có điều kiện hưởng những điều tốt đẹp. Vậy thì trước khi mong nhà trường, xã hội tôn trọng con mình, cha mẹ người thân hãy tôn trọng con em mình trước đã.
Đừng làm tổn thương con trẻ dù bất cứ lý do gì. Hãy trao cho con sự tự tin. Sự tự tin làm cho một đứa trẻ đạt được những thành tích ngoài khả năng của mình.
Đôi khi "thiên tài" hay "đần độn" chỉ là cách cha mẹ đã đối xử với con mình thế nào".
Một lần nữa, bài viết này sau khi đăng tải ít lâu đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng. Ai ai cũng tấm tắc khen ngợi quan điểm của chị là đúng, đúng với cách giáo dục con trẻ của nhiều bậc phụ huynh trong quá khứ và cả hiện tại.
Từ xưa đến nay, nhiều người hay vịn vào câu nói "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", để tự ban cho mình cái quyền được mạt sát hạch sách, chế giễu chính những đứa con mình đứt ruột sinh ra.
Nhưng quý phụ huynh nào có tưởng tượng được, khoảng cách giữa những lời nói chối tai làm đổ vỡ tinh thần của những đứa trẻ, từ đó in hằn một vết thương lòng khó phai trong đoạn đường làm người của chúng và sự nghiêm khắc "roi vọt" đầy yêu thương là rất mong manh.
Nếu không cẩn trọng, thì chính cha mẹ đã vô tình đẩy con mình trở thành một đứa trẻ tự ti, ủ đột và đầy cảm xúc tiêu cực.
Vậy nên, giống như chị Đoàn Thu Thủy đã nói, đã chiêm nghiệm thực tế bằng lời động viên con gái mình: nếu muốn con trở thành một người trưởng thành, tử tế và tài giỏi như bao đứa "con nhà người ta", thì các bậc làm cha làm mẹ phải tin tưởng con mình và trao cho chúng sự tự tin, tôn trọng cái đã.
Suy cho cùng, có đứa trẻ non nớt nào khi mới chập chững những bước đầu tiên vào đời mà không nghĩ mình là người đặc biệt và tài giỏi nhất đâu.
"Đôi khi "thiên tài" hay "đần độn" chỉ là cách cha mẹ đã đối xử với con mình thế nào" - câu nói đầy gay gắt ở cuối bài nhưng hoàn toàn không có gì là sai, phải không các bậc làm cha, làm mẹ ơi?
(Ảnh: FBNV)