LTS: Dưới đây là phần tiếp theo trong điều tra của tờ New York Times (Mỹ) về thực trạng u ám trong các tổ chức tình nguyện như thế.
Khâu thẩm tra lý lịch rất qua loa
Một "quan chức" của nhóm "Lê dương quốc tế", do chính phủ Ukraine thành lập vội vã, cho biết nhóm này dành 10 phút hoặc chưa đầy 10 phút để kiểm tra lý lịch của mỗi tình nguyện viên vào đầu xung đột vũ trang với Nga. Và thế là một người Ba Lan từng bị tù ở Ukraine vì vi phạm quy định về vũ khí được giao chỉ huy các chiến binh. Những người "lính tình nguyện" này nói với tờ Kyiv Independent rằng anh ta đã biển thủ hàng hóa cung ứng, quấy rối phụ nữ và đe dọa lính dưới quyền.
Hai lính tình nguyện phương Tây tham chiến bên phe Ukraine ở Bakhmut. Ảnh: Nytimes.
Giới chức Ukraine ban đầu tự hào kể rằng họ có 20.000 tình nguyện viên Lê dương tiềm năng nhưng trên thực tế, con số thấp hơn nhiều. Những người biết về nhóm Lê dương này cho biết, tổ chức đó hiện chỉ có khoảng 1.500 thành viên.
Một vài người trong số này là các chiến binh giàu kinh nghiệm, làm việc cho Tổng cục Tình báo quốc phòng Ukraine. Tuy nhiên lại có những vấn đề rất nghiêm trọng. Một cựu binh nhất lục quân Mỹ, John McIntyre, đã bị đuổi khỏi nhóm Lê dương do cách cư xử của anh ta. McIntyre đã đào tẩu sang phía Nga và gần đây xuất hiện trên truyền hình nhà nước - cơ quan này cho biết anh đã cung cấp thông tin tình báo quân sự cho Moscow.
Các tài liệu nội bộ cho thấy nhóm Lê dương đang hoạt động chật vật. Việc tuyển binh mới đã đình trệ. Dự án Chống cực đoan có trụ sở ở Washington (Mỹ) viết vào tháng 3 rằng nhóm Lê dương và các nhóm liên quan "tiếp tục sử dụng các cá nhân cơ bản được xem là không phù hợp cho thực thi nhiệm vụ".
Đấu đá nội bộ, bôi xấu lẫn nhau
Malcolm Nance - một cựu nhân viên mật mã của hải quân và bình luận viên của kênh truyền hình MSNBC (Mỹ) đã tới Ukraine vào năm 2022. Anh này có ý định mang trật tự và kỷ luật đến nhóm này. Nhưng rốt cuộc, chính anh ta lại vướng vào tình trạng hỗn loạn tại đó.
Từng xuất hiện nhiều trên truyền hình, Nance là một trong các công dân Mỹ được công chúng thấy rõ là người ủng hộ Ukraine. Có kinh nghiệm về quân sự, anh ta đã soạn một bộ quy tắc ứng xử cho nhóm Lê dương và hiến tặng thiết bị cho tổ chức này.
Ngày nay, Nance đang dính vào một cuộc đấu quyền lực hỗn loạn và gây phân tán lòng người. Anh ta lên mạng Twitter chế nhạo, bôi xấu người khác. Không cung cấp bằng chứng, Nance còn tố cáo một nhóm quyên góp quỹ ủng hộ Ukraine là gian lận.
Sau khi tranh cãi với 2 quản lý của nhóm Lê dương, Nance viết một báo cáo "phản gián" để khiến họ bị cách chức. Điểm nhấn trong báo cáo là cáo buộc một quan chức của Lê dương, Emese Abigail Fayk, đã cố gắng mua một ngôi nhà bằng tiền mà mình không có. Anh ta gọi cô này là một "điệp viên của Nga" dù không đưa ra chứng cớ. Cô Fayk phủ nhận các cáo buộc và vẫn ở lại trong nhóm Lê dương.
Do việc mở rộng Lê dương chững lại, Ryan Routh - một cựu công nhân xây dựng đến từ Greensboro, N.C tiến hành tuyển tân binh từ cả các binh sĩ Afghanistan trốn chạy khỏi chế độ Taliban. Routh, đã dành vài tháng ở Ukraine vào năm 2022, cho hay, anh ta lên kế hoạch đưa họ từ Pakistan và Iran sang Ukraine. Một số trường hợp là bất hợp pháp. Routh cho biết, hàng chục người đã bày tỏ quan tâm đến kế hoạch của anh ta.
Trả lời trong một cuộc phỏng vấn từ Washington, Routh nói: "Chúng ta có thể mua một số hộ chiếu thông qua Pakistan".
Không rõ liệu Routh có thành công hay không nhưng một cựu quân nhân Afghanistan cho biết anh ta đã được liên hệ và quan tâm đến việc chiến đấu ở Ukraine nếu như việc này giúp cựu quân nhân rời khỏi Iran, nơi anh đang tạm trú bất hợp pháp.
Tiền quyên góp bị lãng phí và không đi đúng địa chỉ
Grady Williams - một kỹ sư đã nghỉ hưu 65 tuổi không có kinh nghiệm quân sự bị kết án liên quan đến ma túy đá từ năm 2019, đang làm hướng dẫn viên du lịch ở Mỹ thì nghe thấy lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Zelensky.
Trong cuộc phỏng vấn, Williams nói: "Tôi bắn súng trường từ năm 13 tuổi. Tôi không có lý do để từ chối đi tới đó".
Williams cho biết ông đã bay tới Ba Lan, rồi đi nhờ xe sang Ukraine, đi tàu hỏa tới Kiev.
Các tình nguyện viên đưa Williams tới một căn cứ gần mặt trận và trao cho ông ta một khẩu súng. Các ngày sau đó, vẫn theo lời Williams, ông ta suýt bị thổi tung khi chiến đấu bên cạnh các binh sĩ Ukraine từ một chiến hào gần Bucha. Trong vòng 1 tuần, quân đội Ukraine nhận ra rằng Williams chưa đăng ký để chiến đấu và họ gửi ông ta trở lại thủ đô Kiev.
Từ đó, Williams lại đi lòng vòng và kết thúc bằng việc quyên góp tiền cho các tình nguyện viên từ Cộng hòa Gruzia. Ông ta quyên được 16.000 USD. Ông ta thuyết phục các nhà tài trợ rằng số tiền này sẽ dùng để mua các xe máy điện cho các chiến binh. Nhưng sau khi Williams xô xát với một tình nguyện viên khác, giới chức Gruzia đã trục xuất ông ta. Williams nói mình đã chi khoảng 6.900 USD tiền quyên góp cho việc mua xe máy, số còn lại ông ta dùng cho việc đi lại và thanh toán các chi phí khác.
Các trường hợp lãng phí tiền quyên góp là rất phổ biến. Mriya Aid - một nhóm quyên góp do một trung tá Canada tại ngũ làm thủ lĩnh, dành khoảng 100.000 USD từ các nhà tài trợ để mua các thiết bị nhìn đêm công nghệ cao kiểu Mỹ. Nhưng theo các tài liệu nội bộ, rốt cuộc, họ lại mua nhầm các mẫu của Trung Quốc kém hiệu quả hơn.
Trước đó, ngay trong năm 2023, nhóm Mozart (do 2 cựu thủy quân lục chiến Mỹ lập ra để giúp đỡ Ukraine) đã giải tán sau khi sáng lập viên này kiện sáng lập viên kia về tội trộm cắt và quấy rối.
Vi phạm quy định xuất khẩu vũ khí
Mùa xuân năm 2022, một nhóm tình nguyện mang tên Ripley’s Heroes cho biết họ đã chi xấp xỉ 63.000 USD để mua các thiết bị quang học nhiệt và nhìn đêm. Một số thiết bị trong số này phải tuân thủ các hạn chế về xuất khẩu của Mỹ do nếu xuất không đúng chỗ, các thiết bị này có thể đem lại cho đối thủ của Mỹ lợi thế trên chiến trường.
Các "lính tình nguyện" ngoài mặt trận Ukraine cho biết nhóm Ripley’s Heroes đã cung cấp các khí tài trên cho Ukraine mà không cung cấp tài liệu đi kèm theo yêu cầu, liệt kê người mua và người nhận thực sự. Giới chức Mỹ cho hay, gần đây cơ quan chức trách liên bang của Mỹ bắt đầu điều tra về các lô hàng xuất khẩu này.
Ripley’s Heroes cho biết, họ đã quyên góp hơn 1 triệu USD, nhờ một phần vào cựu nhân viên ở Connecticut, Vasquez, người tự nhận là chiến lược gia của nhóm và đã quảng bá nhóm Ripley’s Heroes với công chúng trực tuyến của anh ta.
Đại tá Ripley Rawlings, sáng lập viên của nhóm Ripley’s Heroes, cho biết nhóm của ông đang đợi quy chế phi lợi nhuận của Mỹ. Tuy nhiên, ông này không tiết lộ việc chi tiêu của mình cũng như bằng chứng về đơn xin quy chế phi lợi nhuận cho New York Times hoặc cho các nhà tài trợ có yêu cầu. Do vậy, không rõ số tiền đó đi đâu.
Shaun Stants, người đứng ra tổ chức quyên góp hồi tháng 10 năm ngoái nhưng không bao giờ được xem chứng tờ tài chính khi yêu cầu Ripley’s Heroes cung cấp đã nói: "Tôi tin tưởng những người này. Và họ biến tôi thành gã ngốc"./.