Mất Palmyra, Nga đứng trước ngã ba đường

Linh Nguyễn |

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi chiến thắng của lực lượng Syria tại đông Aleppo chỉ xoa dịu được cay đắng của Nga khi để mất thành cổ Palmyra trong vài ngày ngắn ngủi.

Cú đánh trời giáng

Trả lời cuộc phỏng vấn với Interfax hôm 11/12, tướng Yury Baluyevsky ngậm ngùi: "Để mất Palmyra là cú đánh trời giáng với toàn thể giới lãnh đạo, trong đó có cả lãnh đạo nước ta".

Cựu Tổng tham mưu trưởng Baluyevsky thừa nhận rằng, việc Nhà nước Hồi giáo (IS) tái chiếm Palmyra là kết quả của sai lầm trong các tính toán quân sự, và thất bại của Nga trong việc theo dõi quân lực đối phương.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân chính phủ Syria phải rút khỏi Palmyra do lực lượng quân địch quá lớn - và còn tiếp tục tăng cao. Vào 11/12, số lính IS ở đây là 4.000, và tăng lên đến 5.000 chỉ sau một ngày.

Theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, việc IS tấn công Palmyra cộng với lính IS rút về Syria để tránh khỏi đợt tấn công của Iraq vào Mosul có thể là một phần chiến lược giúp giải tỏa áp lực đè nặng lên các nhóm nổi dậy ở phía đông Aleppo.

Tờ Al-Monitor nhận xét, có đủ các loại thuyết âm mưu lan truyền trong giới chuyên gia Nga sau khi lính IS chiếm được thành cổ Palmyra, trong đó có hai giả thuyết nổi bật hơn cả.

Theo giả thuyết thứ nhất, người Mỹ đã thả lính từ Mosul nhằm xúi giục IS tái chiếm Palmyra. Giả thuyết thứ hai cho rằng các quốc gia vùng Vịnh đã chi tiền cho cuộc tấn công, nhằm mục đích phân tán tư tưởng của lực lượng chính phủ Syria rời khỏi Aleppo.

Nhiều người Nga tin rằng tình hình này mang động cơ chính trị, do vậy họ không thể hiểu rõ bức tranh toàn cảnh. Nhưng nó lại phù hợp với tình trạng quan hệ chung giữa Nga và phương Tây.

Tuy nhiên, giả thuyết kết nối đợt tấn công của IS vào Palmyra với chuỗi sự kiện ở đông Aleppo chưa được cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu là thật, thì đợt tấn công Palmyra phải diễn ra từ hai tuần trước đó. Hơn nữa, phe đối lập cũng không công kích các vùng khác, khiến binh lính Syria và lực lượng Shiite có thể tập trung vào phía đông Aleppo.

Về con số thống kê lực lượng IS tái chiếm Palmyra, ngay cả các phóng viên Nga và thân chính phủ Syria cũng nghi ngờ số liệu này. Các đánh giá từ phóng viên không quá con số 2.000, và họ cho rằng nếu có quân tiếp viện gửi đến tỉnh Homs thì cũng không đáng kể.

Mất Palmyra, Nga đứng trước ngã ba đường - Ảnh 1.

Ảnh: AFP

Nga trước 2 sự lựa chọn: Tái chiếm Palmyra hay tiến về Idlib?

Theo tờ Al-Monitor, tồn tại nhiều yếu tố xác nhận rằng không có việc tái phân bổ lực lượng khủng bố tại Palmyra. Thứ nhất, tại Mosul, con số lính IS vẫn khoảng 5.000, và các trận giao tranh vẫn diễn ra ở đó.

Thứ hai, IS đang bảo vệ al-Bab và vẫn tiếp tục giao tranh với lực lượng chính phủ Syria và đồng minh ở các tỉnh Raqqa, Deir ez-Zor và Hasakah.

Thứ ba, lực lượng IS luôn đưa ra quyết định một cách độc lập, và thường tiến hành các chiến dịch với hàng chục nhóm quân nhỏ lưu động khoảng 15 - 30 người. Chiến thuật này đã vô hiệu hóa không kích của quân địch, và cũng được sử dụng để tái chiếm Palmyra.

Điều thú vị ở chỗ, theo các nguồn tin của Al-Monitor, kế hoạch ban đầu của IS không phải là chiếm Palmyra mà là tấn công kho quân lương của lực lượng đối lập. Tuy nhiên, mặc dù được không quân và tiếp viện hết lòng ứng cứu, quân địa phương thất bại trước các nhóm lính IS tinh thần quyết chiến cao, tinh nhuệ và rất hiểu địa hình.

Không dừng lại ở đó, rõ ràng là nếu số quân IS tăng lên thì căn cứ không quân T-4 cũng sẽ thất thủ ngay lập tức, và binh lính sẽ tiến quân gấp gáp hơn nhằm chặn các tuyến đường lớn nối Damascus với các tỉnh phía Nam.

Al-Monitor nhận định, mặc dù ông Assad sẽ có hàng ngàn binh lính trong tay sau khi chiếm được Aleppo, tuy nhiên sẽ không có cơ hội và động cơ chính trị nào để đánh IS ở phía đông, cụ thể là Palmyra. Trong khi đó, Kremlin có thể lấy cớ có đe dọa mới tại Homs để mở rộng hợp tác với chính quyền Mỹ sắp tới.

Dưới sức ép từ Moscow, Damascus có thể tiến đánh IS và tiếp tục dẹp bỏ các căn cứ phe đối lập tại Ghouta và Ar-Rastan. Tuy nhiên, một số nhân vật trong quân đội Syria cho rằng Idlib nên là điểm đến tiếp theo sau Aleppo.

Tuy nhiên, các cuộc đánh bom vô tội vạ ở Idlib và giao tranh với phe đối lập có thể sẽ gây suy yếu lực lượng của Assad, và buộc Nga phải can thiệp sâu hơn vào tranh chấp này. Mặt khác, hành động này có thể khiến phe đối lập bắt tay với quân khủng bố và người Sunni cực đoan.

Hơn nữa, việc đánh bom sẽ không giúp mang lại thêm lực lượng chống lại IS - vốn không chỉ hiệu quả trong việc ổn định tình hình ở Iraq và Syria, mà còn giúp quân chính phủ phản công ở những nơi khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại