Rằm tháng Giêng là ngày Rằm đầu tiên của một năm. Đêm rằm đầu tiên của năm âm lịch còn được gọi là Tết Nguyên tiêu hoặc Tết Thượng nguyên. Người xưa có quan niệm "cúng cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng". Trong ngày này, người dân thường đi chùa cầu an, cầu may hoặc dâng sao để "giải hạn" và các gia đình cũng làm mâm cúng tổ tiên. Với bàn thờ gia tiên dâng mâm lễ mặn còn với bàn thờ Phật thì cúng lễ chay.
Cúng Rằm tháng Giêng vào ngày nào?
Rằm tháng Giêng năm Quý Mão 2023 rơi vào Chủ nhật ngày 5 tháng 2 Dương lịch. Lễ cúng Rằm tháng Giêng thường được thực hiện vào giờ Ngọ (11h đến 12h59) ngày chính Rằm (15 tháng Giêng Âm lịch). Tuy nhiên, tùy vào điều kiện thực tế mà nhiều gia đình có thể sắp xếp cúng trước Rằm, từ ngày 13 hoặc 14 Âm lịch.
Rằm tháng Giêng năm nay vào cuối tuần, bởi vậy các gia đình có thể cúng vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật để cả nhà có thể quây quần, sum vây bên mâm cỗ. Ngoài ra, thời gian này cũng giúp mọi người có nhiều thời gian để chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm hơn.
Ảnh: Phuc Khang's Kitchen
Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng gồm những gì?
Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình, có to làm to, có nhỏ làm nhỏ, không câu nệ, nhớ có các món cơ bản là được. Tuy nhiên, mâm cỗ cần được chuẩn bị tươm tất, sạch sẽ và thơm ngon để chứng tỏ lòng thành.
Mâm cỗ mặn dùng để cúng Gia tiên, còn mâm cỗ chay dùng để dâng Phật.
Mâm cỗ mặn cúng Gia tiên gồm những gì?
- Thịt gà, xôi gấc/bánh chưng: Mâm cỗ cúng nào cũng không thể thiếu được gà. Gà là lễ vật cơ bản trong mâm cỗ cúng, bởi vậy, mâm cúng Rằm tháng Giêng không thể thiếu được gà luộc nguyên con.
Nhiều gia đình cũng chọn gà luộc chặt đĩa, tuy nhiên cúng gà luộc nguyên con ngậm bông hồng sẽ đẹp hơn. Ngoài ra, mâm cỗ không thể thiếu được đĩa xôi gấc đỏ cho may mắn, có thể tạo hình hoa hoặc đơm theo hình trái tim, hình tròn. Vừa đón Tết Nguyên đán xong, nhiều nhà vẫn cúng cả bánh chưng, đều không sao cả.
Ảnh: Nhà hàng Bể cá
- Giò chả, canh măng, chim câu hầm...: Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng nên có một đĩa đặt khoanh giò thái tạo hình cho đẹp hoặc để nguyên cũng được, bát canh măng hoặc canh xương mọc. Nhiều gia đình bày cả chim câu hầm thảo mộc theo ý thích. Các món canh này được gia chủ nấu theo điều kiện và sở thích.
- Rau củ xào hoặc luộc: Ngoài gà luộc, canh măng, canh miến, giò chả thì nên có một đĩa rau củ xào thập cẩm hoặc luộc.
Ảnh: Nhà hàng Bể cá
- Các món cuốn hoặc nem rán: Nem rán dường như là món "quốc dân" không thể thiếu trong nhiều mâm cỗ cúng, dù là cúng ngày Tết đón giao thừa hay cúng ngày Rằm tháng Giêng bởi nó không chỉ lên mâm đẹp mà hương vị ngon, ăn không ngán.
Nem rán có thể cuốn hình chữ nhật hoặc hình vuông cho đẹp mắt.
- Hoa quả, đèn nến, trầu cau, chè thuốc: Ngoài những lễ vật trên thì mâm cúng cần có hoa tươi, quả ngọt, đèn nến, chè thuốc để bày cho đủ đầy. Nhiều nhà không bày thuốc và chè khô. Còn đèn nến và hoa quả thì không chỉ mâm cúng mặn cần mà mâm cúng chay dâng Phật cũng phải có.
Mâm cúng Rằm tháng Giêng dâng Phật gồm những gì?
Đối với mâm cúng Phật dù ngày Rằm hay mùng 1 cũng tuyệt đối không cúng đồ mặn. Mâm cúng Phật nhẹ nhàng và không cần cầu kỳ phức tạp, chủ yếu là cần hoa thơm, trái ngọt tượng trưng cho sự thanh thản, an nhiên.
Ảnh: An
Mâm cúng Phật trong ngày Rằm tháng Giêng chủ yếu là các món xôi chè, rau xào chay, đậu phụ, canh rau củ quả. Nhiều nhà không cúng cỗ rau củ mà chỉ bày hoa quả và các loại bánh bao chay như bánh bao hình đào tiên, hoa cúc, hoa đào... Lễ vật dâng Phật cũng cần đèn nến, hương hoa đủ hương, hoa, đăng, trà, thực.
Ảnh: Điểm tâm Trung Hoa
Mâm cúng mặn hay mâm cúng chay dù to hay nhỏ cũng đều phải chuẩn bị bằng tâm thành, bày biện gọn gàng, sạch sẽ, như thế là đã chu đáo để dâng lên tỏ lòng thành kính với Gia tiên và Phật, cũng như cầu mong năm mới suôn sẻ, may mắn.