Mainboard dính quá nhiều bụi, có thể rửa sạch bằng nước và dung dịch rửa chén hay không?

ANH VIỆT |

Theo một số người dùng có kinh nghiệm, việc vệ sinh mainboard bằng nước đúng cách sẽ giúp làm sạch và không gây hư hỏng cho linh kiện.

Sau một một thời gian hoạt động, mainboard dù đặt trong case hay trong phòng kín gió đều ít nhiều bị dính bụi. Nếu các khe cắm RAM hoặc khe cắm card mở rộng rộng trên mainboard bị dính bụi bẩn, hiện tượng chạm mạch có thể sẽ xảy ra (nếu đây là loại bụi hút và giữ ẩm), từ đó làm hư hỏng khe cắm hoặc gây hỏng cả mainboard. Tương tự, tình trạng trên cũng có thể xảy ra với các cổng kết nối trên mainboard như USB, cổng máy in hay cổng COM.

Trong khi đó, việc vệ sinh mainboard bằng bình xịt khí nén hay máy thổi bụi chưa chắc đã giải quyết dứt điểm được những mảng bụi cứng đầu. Do vậy, không ít người dùng đã cầu viện tới cách thức..rửa mainboard bằng nước nhằm giúp linh kiện này trở nên mới tinh tươm, ‘sạch bong kin kít"!

Mainboard dính quá nhiều bụi, có thể rửa sạch bằng nước và dung dịch rửa chén hay không? - Ảnh 1.

Việc vệ sinh mainboard bằng nước đúng cách sẽ giúp làm sạch và không gây hư hỏng cho linh kiện.

Nghe đến đây, nhiều người sẽ nghĩ việc vệ sinh cách thức này là con đường ngắn nhất để chúng ta được mua mainboard mới, khi chẳng mấy ai lại…‘ngu’ đến mức rửa đồ điện tử bằng nước cả. Tuy nhiên, theo một số người dùng có kinh nghiệm, cách vệ sinh này hoàn toàn khả thi và an toàn.

Rửa mainboard bằng nước như thế nào?

Tất nhiên, việc vệ sinh bằng nước cũng phải làm theo cách thức riêng biệt, chứ không thể làm bừa. Điểm mấu chốt của cách thức này nằm ở việc người dùng phải cắt triệt để nguồn cung cấp điện năng cho mainboard để tránh tình trạng chập cháy linh kiện khi dính nước.

Ngoài những việc đương nhiên như tháo dây nguồn và phích cắm điện, người dùng bắt buộc phải tháo viên pin CMOS trên mainboard (dùng để cấp điện cho BIOS) trước khi vệ sinh. Tương tự, đừng quên tháo CPU ra khỏi khe socket của mainboard.

Sau khi hoàn thành 2 việc trên, chúng ta có thể bắt tay vào công việc "tắm" cho mainboard. Hãy sử dụng một chiếc chậu cỡ nhỏ, xả nước vào chậu sao cho vừa ngập đủ mainboard. Ở bước này, người dùng có thể sử dụng nước rửa chén đĩa hoặc các dung dịch có ít chất tẩy rửa, kết hợp với nước để có thể vệ sinh mainboard cho thật sạch. Cần lưu ý, bạn nên tránh kì cọ, chà sát mainboard bằng tay không, vốn có thể làm hư hỏng các bộ phận trên mainboard nếu quá mạnh tay.

Mainboard dính quá nhiều bụi, có thể rửa sạch bằng nước và dung dịch rửa chén hay không? - Ảnh 3.

Cần tháo pin CMOS và CPU trước khi rửa mainboard

Thay vào đó, bạn nên sử dụng một cây chổi quét sơn loại nhỏ (đã nhúng nước rửa chén pha loãng) để vệ sinh nhẹ nhàng các bộ phận thường xuyên dính các bụi bẩn như khe RAM, khe PCI Express, khe PCI, hay chân con chip IO, chip Sound, IC Clock, IC nguồn .v.v

Sau khi đã rửa sạch lại nhiều lần bằng nước, chúng ta tiến hành phơi khô mainboard. Đây là một bước cực kỳ quan trọng và buộc phải làm kỹ nếu không muốn linh kiện này cháy nổ khi cắm điện do vẫn còn dính nước bên trọng.

Về cách thức thực hiện, đầu tiên, bạn nên cầm mainboard…’vẩy’ thật mạnh nhiều lần để nước còn sót lại trong trong chip cầu nam, chip cầu bắc và socket CPU chảy ra ngoài. Sau đó, đặt mainboard ra ngoài nắng và phơi khô trong khoảng 1 ngày.

Trong trường hợp không có nắng, bạn có thể dùng máy sấy tóc công suất lớn, hoặc đặt mainboard trong phòng chạy máy lạnh (bật tối đa công suất, chế độ làm khô) trong khoảng thời gian từ 6 đến 7 tiếng. Dù với bất kỳ cách thức nào, hãy chắc chắn 100% mainboard phải thật khô mới được lắp đặt. Cuối cùng, lắp lại pin CMOS và CPU vào mainboard, tiến hành lắp đặt vào case và khởi động như bình thường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại