Quốc ca Việt Nam lần đầu tiên vang lên trên đấu trường Olympic danh giá. Hạnh phúc thay cho những ai được trực tiếp chứng kiến giây phút này, với kỳ tích mang tên Hoàng Xuân Vinh.
Viên đạn cuối cùng

"Viên đạn cuối cùng. Không khí xung quanh anh như đông cứng lại. Mọi người nín thở. Viên đạn cuối cùng trĩu nặng. Treo trên nó là niềm tự hào của quê hương, của dân tộc. Anh bóp cò. Chín điểm. Huy chương vàng với đúng 1 điểm cách biệt.

Với phát súng cuối cùng của mình, Hứa Hải Phong không chỉ đem về cho Trung Quốc tấm huy chương vàng Olympic đầu tiên, mà đấy còn là phát súng tuyên bố với cả thế giới rằng họ có thêm một đ ối thủ mạnh mẽ và tham vọng trên đấu trường Olympic".

Trên đây là đoạn trích trong câu chuyện được viết vào sách giáo khoa tiểu học Trung Quốc, về giây phút Hứa Hải Phong đem chiếc HCV Olympic đầu tiên về cho nước nhà tại Thế vận hội Los Angeles 1984 - 32 năm về trước.

Sau thành công của Olympic Bắc Kinh 2008, trong một buổi giao lưu trực tuyến, một quan chức thể thao Trung Quốc đã hồ hởi khoe: "Thế vận hội giờ như một bữa tiệc, nơi mọi người đánh bài, cười đùa vui vẻ với nhau. Rồi một con bạc chuyên nghiệp xuất hiện và vét sạch tiền trong túi mọi người".

"Con bạc chuyên nghiệp" được nhắc đến chính là Trung Quốc, với tham vọng đứng đầu, và bắn súng là một trong những mũi nhọn tiên phong.

Ở vòng đấu loại đêm 6/8, Hoàng Xuân Vinh chỉ xếp thứ tư, với lượt bắn cuối chỉ đạt vỏn vẹn 95 điểm, và chễm chệ ngôi đầu là xạ thủ Trung Quốc Pang Wei.

Vào vòng chung kết rạng sáng 7/8 (giờ Việt Nam), sự xuất thần của Hoàng Xuân Vinh đã khiến tất cả các đối thủ, nhất là Pang Wei phải ngỡ ngàng, và đối thủ Trung Quốc đã phải buông tay trước lượt bắn cuối cùng, chấp nhận chiếc huy chương đồng.

Những người theo dõi màn "đấu súng" cuối cùng qua truyền hình chắc hẳn phải "rớt tim ra ngoài" với phát đạn áp chót chỉ đạt 9,2 điểm của Hoàng Xuân Vinh, tưởng chừng sẽ làm đánh rơi chiếc huy chương vàng đang nắm trong tay.

Viên đạn cuối của Xuân Vinh sáng 7/8 ắt hẳn nặng ngàn cân. Treo trên đầu nó là niềm tự hào dân tộc về chiếc huy chương vàng đầu tiên trên đấu trường Olympic. Viên đạn xuất thần đạt 10,7 điểm chính thức ghi danh Việt Nam lên bảng vàng Olympic. Không chỉ Trung Quốc, mà cả thế giới ngỡ ngàng với cái tên Hoàng Xuân Vinh. Lịch sử gọi tên anh.

Đấy không phải là câu Hoàng Xuân Vinh khoe với các vận động viên khác sau khi đoạt huy chương vàng Thế vận hội. Đấy là câu nói xạ thủ này hô đi hô lại trước mỗi buổi tập, suốt 4 năm nay, tính từ thất bại đau đớn tại Olympic London 2012.

Đấy không phải là niềm tự hào, hay sự khoe khoang. Với Hoàng Xuân Vinh, đấy là nỗi đau mà xạ thủ này phải gặm nhấm suốt 1.462 ngày, tính từ lượt bắn chung kết với phát đạn cuối cùng đạt 10,2 điểm, nhưng vuột chiếc huy chương đồng chỉ với 0,1 điểm kém Vương Trí Vĩ của Trung Quốc.

Cái khoảng cách mong manh nhất đấy không chỉ lấy đi của vị đại tá quân đội này tấm huy chương đồng Olympic quý giá, mà còn để lại trong anh nỗi ám ảnh nặng nề và khôn nguôi.

Trước đó, tại ASIAD 2010, Hoàng Xuân Vinh cũng đã từng để vuột chiếc HCV chắc chắn khi bị cướp cò ở đúng viên đạn cuối cùng.

Những bi kịch liên tiếp, ở những thời điểm cần sự tập trung cao độ nhất đã khiến anh nghĩ đến chuyện giải nghệ vì quá chán nản. Ngay cả giới chuyên môn cũng nghi ngờ việc tay súng này khó có thể trụ vững để tiếp tục tập luyện và thi đấu tốt.

Rạng sáng 7/8, khi viên đạn áp chót của anh chỉ đạt 9,2 điểm, để đối phương vượt lên với 0,2 điểm, nhiều người đã nghĩ đến cái kết từng khiến xạ thủ này suy sụp trước đây 4 năm, và 6 năm. Nhưng phát súng quyết định đã trả lại cho anh tất cả, "hóa vàng" câu khẩu hiệu vẫn hô mỗi ngày.

Đấy không hề là sự may mắn. Trong nghịch cảnh 4 năm trước, xạ thủ khoác áo lính này lặng lẽ lao vào luyện tập như điên. Mỗi ngày anh ở trường bắn từ 10 đến 12 tiếng, để tối về lại chong đèn nghiền ngẫm nghiên cứu các bài bắn để rút kinh nghiệm.

Hơn 1.400 ngày, với một ý chí phi thường, một khát vọng "phục thù" ghê gớm, tại Olympic lần này, Hoàng Xuân Vinh đã chứng tỏ được sức vươn đặc biệt và bản lĩnh cao cường ở loạt bắn chung kết, và viên đạn cuối thần kỳ là dấu chấm hoàn thiện thành quả kỳ vĩ nhất của thể thao Việt Nam.

Tiêu đề bài viết trên trang tin tức của Trung Quốc Xinhuanet như một lời trách móc khá chua xót với thể thao nước nhà "Không có vàng cho Trung Quốc ở ngày mở màn, trong khi Việt Nam làm nên lịch sử tại Olympic Rio".

Trong bài viết của mình, Xinhuanet trích lời Hoàng Xuân Vinh phát biểu: "Tôi hạnh phúc khi đem tấm huy chương vàng Olympic về cho Việt Nam. Đây sẽ là kỷ niệm để đời của tôi.

Vinh quang này dành cho Tổ quốc Việt Nam. Cảm ơn những người thầy và tất cả những ai đã ủng hộ cho bắn súng Việt Nam. Và tận đáy lòng tôi muốn cảm ơn người học trò vĩ đại này. Lịch sử đã gọi tên Hoàng Xuân Vinh! Việt Nam chiến thắng!

Huấn luyện viên

Nguyễn Thị Nhung

Đối thủ nước chủ nhà rất nhanh và mạnh, nhưng tôi tự động viên mình: cố gắng lên, cố gắng lên! Ở viên đạn cuối cùng, tôi không nghĩ đến huy chương vàng hay bạc, tôi chỉ nghĩ đến việc cố gắng lên".

Tôn vinh Hoàng Xuân Vinh, Xinhuanet cũng không quên "dìm hàng" đội nhà, với việc nhắc rằng bại tướng của xạ thủ Việt Nam Pang Wei - chỉ đoạt huy chương đồng chính là chồng của tay súng Du Li, chỉ có được tấm huy chương bạc trước vận động viên 19 tuổi người Mỹ. Với tiêu đề đơn giản "Việt Nam đoạt huy chương vàng Olympic đầu tiên", hãng thông tấn CNN không tiếc lời tôn vinh Hoàng Xuân Vinh:

"Khoảng khắc tuyệt vời của Hoàng Xuân Vinh. Sau khi gục ngã ở Olympic London 4 năm trước bởi chỉ 0,1 điểm mong manh, xạ thủ 41 tuổi trở thành huyền thoại mọi thời đại của Việt Nam bằng cách đánh bại tất cả các đối thủ mạnh ở nội dung 10m súng ngắn hơi".

Trong khi đó, được đặt trang trọng nhất trên webiste của Liên đoàn bắn súng quốc tế ISSF là hình ảnh Hoàng Xuân Vinh đang ngắm bắn ở lượt đấu chung kết, cùng dòng tiêu đề "Hoàng Xuân Vinh giành huy chương vàng Olympic cho Việt Nam".

Đáng chú ý, trước khi nội dung thi đấu bắt đầu, bài phân tích của ISSF đăng trên trang hoàn toàn không nhắc đến tên Hoàng Xuân Vinh, nó viết: "Jin Jongoh (Hàn Quốc) là ứng cử viên số 1 cho chiếc huy chương vàng bởi anh là nhà ĐKVĐ Olympic 2012.

Ứng cử viên số 2 là Wei Pang (Trung Quốc), tay súng giành HCV tại giải VĐTG năm 2006. Người thứ 3 có khả năng cao là Felipe Almeida, vận động viên nước chủ nhà Brazil. Felipe Almeida hiện đang đứng đầu trong bảng xếp hạng các tay súng xuất sắc nhất ở nội dung súng ngắn hơi 10m".

Như thế đấy, từ thất bại, từ bi kịch, niềm tin và ý chí mãnh liệt của người chiến sĩ quân đội Hoàng Xuân Vinh đã giật lấy vinh quang về cho đất nước, cho thể thao Việt Nam. Ngày hôm nay, Tổ quốc gọi tên anh - Hoàng Xuân Vinh.

  • Tấm huy chương đầu tay trong sự nghiệp vận động viên chuyên nghiệp của Hoàng Xuân Vinh là huy chương đồng đồng đội năm 1999 ở Cúp Quốc gia nội dung súng ngắn hơi nam.
  • Năm 2000, Hoàng Xuân Vinh đoạt huy chương vàng, phá kỷ lục quốc gia môn súng ngắn hơi 10m nam với 580 điểm và trở thành tuyển thủ quốc gia.
  • Năm 2001, Hoàng Xuân Vinh đoạt huy chương vàng đồng đội đầu tiên tại SEA Games 21. Kể từ đó, ở 6 kỳ SEA Games liên tiếp, không kỳ nào anh không đoạt ít nhất một huy chương vàng.
  • Tại ASIAD 2006, Hoàng Xuân Vinh cùng đồng đội giành được huy chương đồng đồng đội nội dung 10m súng ngắn nam.
  • Ở ASIAD 2010, cú cướp cò do mất bình tĩnh của anh ở viên đạn cuối cùng không những cướp đi của anh chiếc huy chương vàng châu lục, mà còn khiến các đồng đội phải trắng tay ở nội dung đồng đội.
  • Tại giải vô địch bắn súng hơi châu Á 2012 tại Trung Quốc, Hoàng Xuân Vinh xuất sắc giành huy chương vàng nội dung 10m súng ngắn hơi nam với 683,3 điểm. Đây là tấm huy chương vàng châu Á đầu tiên của các xạ thủ Việt Nam.
  • Tại Cúp Bắn súng thế giới, Hoàng Xuân Vinh cùng xạ thủ Trung Quốc Vương Trí Vĩ so kè nhau từng điểm số một ở vị trí tranh huy chương vàng. Với kết quả ở loạt chung kết đạt 200,8 điểm, hơn Vương Trí Vĩ 0,7 điểm, Xuân Vinh đoạt huy chương vàng đầu tiên cho bắn súng Việt Nam trên đấu trường thế giới.

Bài viết: Tiên Lâm

Photo: Internet

Thiết kế: Tomaso Lee, Hoàng Nguyễn

Theo Trí Thức Trẻ