Lý do Tổng thống Trump không bao giờ đối đầu quân sự với Iran

TTXVN |

Trong tuần qua, cả thế giới trông đợi vào việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ công bố chiến lược của ông đối với Iran cũng như thỏa thuận hạt nhân với nước này.

Ngày 13/10, Tổng thống Trump tuyên bố không xác nhận Iran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân lịch sử JCPOA ký dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Như vậy, một lần nữa, Tổng thống Trump lại "nhường" quyền quyết định có chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran hay không cho Quốc hội Mỹ hiện do phe Cộng hòa kiểm soát.

Trong 60 ngày tới, Quốc hội Mỹ sẽ quyết định có áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận vốn đã được dỡ bỏ để đổi lại việc Iran hạn chế hoạt động làm giàu hạt nhân hay không.

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Trump, các đồng minh của Mỹ cũng như Nga và nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về những ảnh hưởng tiêu cực nếu Washington hủy bỏ JCPOA hoặc áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đã được gỡ bỏ.

Giáo sư Rasool Nafisi tại Đại học Strayer ở Washington DC (Mỹ) cho rằng động thái của ông Trump đã làm tăng mối đe dọa về xung đột và gây suy yếu sự ổn định toàn cầu. Quyết định không xác nhận của ông Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran đã “gây hỗn loạn” trong các nước châu Âu bởi vì “họ cảm thấy Mỹ nên giữ đúng với chữ ký của mình”.

Các nhà phân tích Iran đã chia sẻ với đài Sputnik (Nga) rằng đất nước của họ có một kế hoạch hành động đối với bất kỳ quyết định nào mà nhà lãnh đạo Mỹ chọn lựa, đồng thời giải thích tại sao Mỹ sẽ không bao giờ đưa ra phương án xung đột quân sự.

“Cộng hòa Hồi giáo Iran có một kế hoạch hành động được tính toán kỹ trong trường hợp Mỹ quyết định rủ khỏi thỏa thuận hạt nhân, hay chính xác hơn là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Tổng thống Trump là một người khá khó đoán và không dễ gì để đoán trước được các bước đi của ông”, Hossein Sheikholeslam – cố vấn của Ngoại trưởng Iran kiêm cựu đại sứ Iran tại Syria – cho hay.

Do đó, ông Sheikholeslam giải thích thêm, đất nước Iran đã chuẩn bị đầy đủ để đối phó với bất cứ động thái nào của Mỹ, cho thấy thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015 với Nhóm P5+1 không chỉ quan trọng với an ninh của Iran mà còn ở Trung Đông và toàn thế giới.

Trước đó, Tổng thống Trump đã gọi thỏa thuận hạt nhân này là một “nỗi xấu hổ” và “thỏa thuận tồi tệ nhất từng đàm phán”.

Cố vấn Sheikholeslam cho hay Mỹ nhận thấy rất rõ rằng Tehran đã tuân thủ JCPOA và không có ý định vi phạm nó trong tương lai. Thỏa thuận này rất quan trọng với đất nước của ông. Nó là chủ đề được đội ngũ cố vấn đặc biệt cho tổng thống thảo luận trong mỗi phiên họp 90 ngày.

Ba tháng trước, ông Trump tuyên bố rõ ràng rằng ông không xác nhận Iran tuân thủ với JCPOA. Các đồng minh châu Âu của ông lập tức lên tiếng cảnh báo về động thái này. Được ký kết giữa Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Iran, JCPOA đã rút lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran đổi lại nước này phải từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Bình luận về quyết định của Tổng thống Mỹ và hậu quả của nó, nhà ngoại giao Iran tin tưởng ông Trump sẽ không thể khởi đầu một cuộc chiến tranh với Iran. “Chúng tôi có những đồng minh đáng tin cậy nhất và tình hình nội bộ của chúng tôi rất ổn định.

Hoàn toàn rõ ràng rằng nếu đối thủ của chúng tôi phát động một cuộc chiến trong khu vực hoặc chống lại chúng tôi, ông ta sẽ không thể đối đầu với chúng tôi và sẽ nhanh chóng bị đánh bại”, ông Sheikholeslam nói.

Quan điểm trên cũng tương đồng với ông Hamid Reza Gholamzadeh, một chuyên gia về quan hệ với Mỹ và là Tổng biên tập văn phòng tiếng Anh của hãng thống tấn Mehr. Ông Gholamzadeh nói với Sputnik: “Mỹ không sẵn sàng cho chiến tranh, tình hình trong khu vực và trên thế giới đã khác xa so với trước đây.

Đối đầu quân sự giữa Washington và Tehran là điều khó xảy ra. Iran là một cường quốc khu vực và trong trường hợp Mỹ cố tình đưa ra bất cứ chiến dịch quân sự nào tương tự như ở Syria, chiến thắng sẽ thuộc về Iran và các đồng minh”.

Ông cũng nhắc lại khi bắt đầu chiến tranh ở Syria, Mỹ đã yêu cầu “Tổng thống Assad nên rời đi”. Tuy nhiên, Iran sau đó đã nói ông này nên ở lại và điều này nên do người dân Syria quyết định.

“Như chúng ta thấy hiện nay, Iran đã đúng. Hay nói cách khác, không kể tất cả các thành tựu kinh tế và vật chất (của Mỹ), Iran đã thành công hơn trên mặt trận Syria. Không dễ gì để Mỹ tấn công Iran”, ông nói.

Thêm vào đó, chuyên gia này giải thích, phải có một lý do và một sự nhất trí quốc tế để khởi đầu một cuộc chiến tranh. Mỹ không có điều thứ nhất lẫn cả điều thứ hai. Bất kỳ cuộc chiến tranh nào với Iran sẽ đi đến kết cục là gây bất ổn hoàn toàn khu vực, giá dầu tăng cao, bùng nổ tị nạn tới phương Tây và khủng hoảng toàn cầu. Vì thế, mọi lời đe dọa gây chiến đều là dối trá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại