CNBC trích dẫn một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions cho biết, theo ước tính, niên vụ 2022-2023 sẽ chứng kiến sự thiếu hụt 8,7 triệu tấn trong nguồn cung toàn cầu. Đây là mức thiếu hụt lớn nhất kể từ niên vụ 2003-2004 với mức thiếu 18,6 triệu tấn.
Dữ liệu từ Statista.com cho thấy sản lượng gạo toàn cầu năm ngoái là 502,9 triệu tấn, trở thành loại ngũ cốc được sản xuất nhiều thứ 3 sau ngô và lúa mì.
Tuy nhiên, sản lượng gạo đã giảm trong những tháng gần đây do thời tiết xấu ở các nước sản xuất gạo như Trung Quốc và Pakistan.
Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất toàn cầu, cung cấp hơn 148 triệu tấn gạo xay xát cho thị trường trong niên vụ 2021-2022. Nước này đã hứng chịu mưa lớn và lũ lụt vào nửa cuối năm ngoái, ảnh hưởng đến phần lớn diện tích đất trồng lúa của mình.
Hiện tại, Trung Quốc đang “trải qua mức độ hạn hán cao nhất ở các vùng trồng lúa trong hơn 2 thập kỷ”. Các nhà phân tích cho biết cả 2 tình huống đều có thể nghiêm trọng đối với cây trồng dễ bị tổn thương.
Pakistan, chiếm gần 8% thương mại gạo toàn cầu, cũng phải đối mặt với lũ lụt nghiêm trọng trong năm nay, khiến sản lượng hàng năm giảm 31%.
Hơn nữa, các dự báo cho rằng Ấn Độ, nước sản xuất gạo lớn thứ 2 thế giới, có thể phải hứng chịu nắng nóng gay gắt trong quý 2 và quý 3 năm 2023. Điều này cũng có thể gây nguy hiểm cho năng suất cây trồng của Ấn Độ.
Theo các nhà phân tích, các nước trồng lúa ở châu Âu như Pháp, Đức và Anh cũng đang phải hứng chịu đợt hạn hán ở mức cao nhất trong 20 năm qua, điều này có thể gây nguy hiểm hơn nữa cho nguồn cung trong năm nay.
Do sự thiếu hụt, các nhà phân tích kỳ vọng giá gạo sẽ duy trì quanh mức cao hiện tại, từ 16-18 USD/50,8kg, cao hơn gấp đôi so với năm 2020 - trong thời gian còn lại của năm.
Các nhà phân tích lưu ý rằng, ngoài hạn chế về nguồn cung, giá gạo còn bị ảnh hưởng bởi hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine. Cuộc xung đột này đã gây nguy hiểm cho nguồn cung ngũ cốc của cả Ukraine và Nga cho thị trường toàn cầu, đẩy giá lúa mì tăng cao, khiến gạo trở thành một lựa chọn thay thế ngày càng hấp dẫn và thúc đẩy nhu cầu.
Các nhà phân tích cảnh báo, vì gạo là mặt hàng lương thực chính trên nhiều thị trường, giá của nó dự kiến sẽ làm tăng lạm phát giá lương thực toàn cầu.
Tuy nhiên, Fitch Solutions ước tính thị trường gạo toàn cầu có thể trở lại “trạng thái gần như cân bằng vào năm 2023/24” và thặng dư vào năm 2024-25, chủ yếu là do sản lượng dự kiến ở Ấn Độ tăng đột biến.
Theo RT