Lý do khiến các loại đạn chính xác của Mỹ ‘biến mất’ trên chiến trường Ukraine

Lê Hưng (Nguồn: Sputnik News)/VTC |

Các loại đạn chính xác do Mỹ cung cấp từng được coi là sự bổ sung quan trọng cho quân đội Ukraine, tuy nhiên chúng đã không thể phát huy được hiệu quả như mong đợi.

Từ giữa thế kỷ 20, chiến tranh điện tử đã là thế mạnh của Liên Xô, học thuyết quân sự của Liên Xô nhấn mạnh vào việc “ tích hợp tổng thể các nguồn lực của chiến tranh điện tử và hủy diệt vật lý ” trên chiến trường. Thừa hưởng những thành tựu của Liên Xô, ngày nay Nga đã có một loạt hệ thống tác chiến điện tử tầm ngắn, tầm trung, tầm xa và cực xa.

Các hệ thống tác chiến điện tử này không những vô hiệu hoá các UAV của Ukraine, mà còn tích cực hỗ trợ UAV của Nga hoạt động hiệu quả trên các chiến trường.

Tạp chí Forbes của Mỹ đã tổng hợp những thách thức mà quân đội Ukraine đang gặp phải dù được NATO trang bị những khí tài quân sự tiên tiến. Các chuyên gia của Forbes cũng đã trích dẫn lời Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Zaluzhny trong một cuộc phỏng vấn với The Economist, trong đó ông đã nêu rõ lý do tại sao cuộc phản công của Kiev lại trở nên “bế tắc”.

Theo tạp chí này, lợi thế về công nghệ của Nga là một vấn đề lớn đối với quân đội Ukraine, việc sử dụng các công nghệ tiên tiến giúp Nga “ tấn công chính xác các mục tiêu, đồng thời hạn chế hiệu quả của pháo binh Ukraine ”.

Lý do khiến các loại đạn chính xác của Mỹ ‘biến mất’ trên chiến trường Ukraine - Ảnh 1.

Hệ thống tác chiến điện tử Polye-21.

Tạp chí này nhấn mạnh việc Nga sử dụng máy bay không người lái cảm tử Lancet và hệ thống tác chiến điện tử Polye-21 (Field-21) có khả năng “ làm nhiễu tín hiệu GPS của đạn chính xác Excalibur do Mỹ viện trợ một cách hiệu quả ”.

Phó giáo sư Vikram Mittal tại Khoa Kỹ thuật Hệ thống thuộc Học viện Quân sự West Point của Mỹ đưa ra nhận định với EurAsian Times: “ Hệ thống tác chiến điện tử Polye-21 của Nga đã làm nhiễu tín hiệu GPS, thứ cần thiết để Ukraine sử dụng đạn chính xác Excalibur. Kết quả là đạn đi chệch hướng và không bắn trúng mục tiêu ”.

Hệ thống tác chiến điện tử Polye-21

Polye-21 do Trung tâm khoa học và kỹ thuật tác chiến điện tử có trụ sở tại Voronezh và St. Petersburg phát triển. Polye-21 là tổ hợp tác chiến điện tử chuyên dụng được thiết kế để tiêu diệt tên lửa hành trình, bom thông minh, máy bay không người lái, đạn pháo, máy bay hay các loại thiết bị dựa vào hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh.

Polye-21 ngăn chặn vũ khí của đối phương bằng cách ngắt kết nối hoặc làm gián đoạn tín hiệu định vị của vũ khí. Các hệ thống định vị hàng đầu hiện nay như GPS do Mỹ sản xuất, Galileo của Liên minh châu Âu, BeiDou của Trung Quốc và thậm chí cả GLONASS của Nga đều có thể bị ngăn chặn một cách dễ dàng.

Nếu không còn khả năng xác định tọa độ thì máy bay không người lái, tên lửa, máy bay của đối phương không thể hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và buộc phải quay trở lại căn cứ (trong trường hợp máy bay có người lái) hoặc mất phương hướng, không tiếp cận được mục tiêu và cuối cùng là rơi xuống đất.

Lý do khiến các loại đạn chính xác của Mỹ ‘biến mất’ trên chiến trường Ukraine - Ảnh 2.

Đạn chính xác Excalibur của Mỹ.

Mỗi tổ hợp Polye-21 bao gồm một trạm vô tuyến R-340RP nhỏ gọn gắn trên khung gầm xe tải, cùng với hệ thống điều khiển vận hành một loạt mô-đun ăngten (lên đến 100 ăngten cho mỗi hệ thống), các hệ thống này có thể triệt tiêu tín hiệu ở phạm vi lên tới 25km và có thể tạo ra một "mái vòm vô hình" bao phủ một khu vực có diện tích lên tới 150 x 150km.

Ngoài các tháp gây nhiễu, các mô-đun gây nhiễu của hệ thống có thể được lắp đặt trên các tháp điện thoại di động hiện có, giúp giảm đáng kể chi phí và tiêu thụ điện năng của hệ thống. Một máy phát 20W gây nhiễu tất cả các tín hiệu vệ tinh trong phạm vi 80km, khiến các tín hiệu vệ tinh định vị toàn cầu ở tần số 1176,45-1575,42 MHz bị vô hiệu hoá.

Giống như nhiều thiết kế vũ khí hiện đại khác của Nga, tổ hợp Polye-21 được thiết kế theo nguyên tắc mô đun, để đơn giản hóa việc sản xuất, triển khai sử dụng và giảm giá thành chế tạo cũng như dễ sữa chữa, nâng cấp.

Một số phiên bản khác của Polye-21 như Polye-21M, một biến thể hiện đại hóa trên cơ sở mẫu cơ bản, phiên bản Polye-21E dành cho xuất khẩu. Các thông tin về sự khác biệt giữ các biến thể này vẫn được giữ kín.

Polye-21 ra mắt vào năm 2013, bắt đầu được đưa vào sử dụng trong quân đội Nga vào năm 2016. Kể từ khi được giới thiệu, hệ thống này đã được các đơn vị tác chiến điện tử như Quân khu Trung tâm, Quân khu phía Nam và phía Đông, Căn cứ số 201 của Nga ở Tajikistan và căn cứ ở Tartus, Syria đưa vào hoạt động.

Lý do khiến các loại đạn chính xác của Mỹ ‘biến mất’ trên chiến trường Ukraine - Ảnh 3.

Hệ thống Polye-21.

Nga có bao nhiêu hệ thống Polye-21?

Theo Sputnik, hiện tại số lượng hệ thống Polye-21 được sản xuất và triển khai cũng như giá thành vẫn chưa rõ ràng. Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga vào đầu năm 2021 cho biết, Quân khu Trung tâm đã có kế hoạch nhận khoảng 10 hệ thống Polye-21 (chưa tính các hệ thống Polye-21 mà họ đã có). Việc chuyển giao hệ thống Polye-21M hiện đại hóa được cho là đã bắt đầu vào năm 2019.

Polye-21 trở thành trụ cột trong hệ thống phòng thủ của Nga, để đối phó với các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào các mục tiêu trên khắp khu vực phía Tây nước Nga bằng máy bay không người lái, tên lửa hành trình do NATO cung cấp cũng như máy bay hạng nặng Tupolev Tu-141 Strizh thời Liên Xô, được Kiev chuyển đổi thành máy bay không người lái.

Polye-21 hiện là một thành phần quan trọng của mạng lưới radar, tác chiến điện tử, phòng không và tên lửa nhiều tầng của lực lượng vũ trang Nga. Trong thập kỷ qua, Nga đã hiện đại hóa lực lượng tác chiến điện tử bằng cách thành lập một chi nhánh mới trong quân đội với 60 loại thiết bị mới. Trong khi đó, Ukraine phải đối mặt với một thách thức khi 65% thiết bị gây nhiễu của nước này đang sử dụng trong cuộc xung đột hiện nay là được sản xuất từ ​​thời Liên Xô.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại