Theo Middleeasteye, sau quyết định của Iran trong việc giảm cam kết về hạt nhân hôm 8/5, một năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Nga có lẽ đồng cảm nhất với Tehran trong số những những bên đã ký kết thỏa thuận.
Trong khi các cường quốc châu Âu - Pháp, Đức và Anh- chỉ trích động thái của Iran và Trung Quốc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đảm bảo thỏa thuận được thực thi đầy đủ, Moscow đổ lỗi cho Mỹ về việc rút khỏi thỏa thuận và áp đặt chính sách "gây áp lực tối đa" gồm tăng cường các lệnh trừng phạt với Iran.
"Iran có thể phải áp đặt các bước đi đáp trả đồng thời tuyên bố rời khỏi thỏa thuận nhưng ngày mai mọi người sẽ quên rằng điều này do Mỹ gây nên và đổ lỗi toàn bộ cho Iran", Tổng thống Nga Putin nhận định tại một cuộc họp báo hôm 15/5.
Căng thẳng gia tăng
Động thái của Tehran với việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đang gây ảnh hưởng đến quan hệ Nga-Iran khi Moscow đang dõi theo những căng thẳng ngày càng tăng giữa Tehran và Washington.
Dù Điện Kremlin không muốn ủng hộ sự thay đổi "cuộc chơi" nhưng cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu ở khu vực đã ảnh hưởng lớn đến Iran và gây cô lập quốc tế gia tăng với Iran. Nga tự xếp mình ngang hàng với Mỹ chứ không phải Iran và rất lấy làm phẫn nộ với sự từ chối của các nước phương Tây để giải quyết các vấn đề xung đột.
Điện Kremlin từng coi Tehran như là đòn bẩy nhằm làm cân bằng các mối quan hệ với các cường quốc phương Tây đặc biệt là Washington.
Trong những năm 90, Nga và Iran đã ký thỏa thuận xây dựng kế hoạch hạt nhân ở Bushehr nhưng Moscow đã chậm trễ trong việc đáp ứng nhu cầu của Mỹ trong việc gây áp lực thêm lên Tehran. Việc trì hoãn của Nga đã giúp cho ngành công nghiệp hạt nhân của Nga hoạt động sôi nổi sau đó.
"Nga không phải là lính cứu hỏa. Chúng tôi không thể cứu giúp mọi điều mà không hoàn toàn phụ thuộc vào chúng tôi. Chúng tôi chỉ có thể đóng góp một phần", ông Putin từng nhận định hồi tháng trước.
Kể từ khi chính quyền ông Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi tháng 5/2018, Nga đã nỗ lực tận dụng những lợi thế của Iran. Điều này được minh chứng rõ ràng trong thị trường dầu mỏ cũng như cuộc nội chiến ở Syria nơi mà cả Tehran và Moscow đều ủng hộ chính quyền ông Assad.
Sản xuất dầu mỏ
Với làn sóng chống Iran do Mỹ dẫn đầu gia tăng trong khu vực, Điện Kremlin chủ động xích lại gần Israel và các quốc gia Ả Rập.
Năm ngoái, Nga đã ký thỏa thuận cá nhân với các nước Saudi để tăng giá dầu mà không cần đến sự tham vấn của tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và cũng như tổn thất của Iran. Lúc đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi tăng sản lượng để hạ thấp giá dầu thô.
Gần đây, một quan chức về năng lượng Nga đã tiết lộ mong muốn của Nga trong việc gia tăng sản lượng dầu thô vào tháng 6. Cuối tháng 4, Nhà Trắng thông báo rằng nước này sẽ chấm dứt việc miễn trừng phạt cho khách hàng mua các sản phẩm dầu thô của Iran gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi Iran bị đánh bật khỏi thị trường dầu mỏ quốc tế, Nga sẽ tự do giành lại sản lượng dầu mỏ xuất khẩu. Và điều này đồng nghĩa với việc nước này có thêm 6 tỷ USD trong doanh thu xuất khẩu hàng năm.
Điều không kém quan trọng khác đó là sự cạnh tranh về vị trí và địa chính trị của Nga với Iran ở Syria. Cả Nga và Syria đều hậu thuẫn cho chính quyền ông Assad và đều tận dụng thu lại những ích lợi về địa chính trị sau những đầu tư của mình ở quốc gia Trung Đông.
"Cả hai quốc gia đều quan tâm đến việc giữ cho ông Assad nắm quyền và nếu một trong hai quốc gia này có tiếng nói hơn, lợi ích mà họ thu được hẳn nhiên sẽ lớn hơn nước còn lại", Aron Lund, một chuyên gia chia sẻ.
Tái thiết lại Syria
Một khu vực chủ chốt trong cuộc cạnh tranh giữa Nga và Iran là lợi ích về kinh tế ở Syria thời hậu chiến.
Vào tháng 1/2017, 5 bản ghi nhớ giữa Iran và Syria đã được ký kết gồm những hợp đồng về dầu mỏ, dịch vụ di động. Đầu năm nay, chính phủ Syria cũng cho Iran thuê các cảng ở Latakia.
Sự hiện diện ở Latakia cũng đặt Iran gần với căn cứ Hmeimim của Nga. Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi Nga đã đàm phán với Syria để gia hạn hợp đồng thuê cảng Tartus.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov chối bỏ ý kiến về việc quan hệ "đồng minh" giữa Iran và Nga ở Syria.
"Nga và Iran hợp tác cùng nhau thành công ở Syria gần thập kỷ qua trong việc mở rộng ảnh hưởng của mình ở Trung Đông. Tôi nghi họ sẽ phá hủy sự thành công đã đạt được ở Syria", chuyên gia về Syria Joshua Landis của đại học Oklahoma chia sẻ.
Và việc Iran bị cô lập sau việc nước này rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sẽ khiến Tehran phụ thuộc nhiều hơn vào Moscow và Nga vì thế có cơ hội để thực hiện những tham vọng của mình.