Lưu ý quan trọng liên quan đến Căn cước công dân được Công an khuyến cáo mà người dân cần biết

HUỲNH DUY |

Công an khuyến cáo người dân không đăng tải hình ảnh CCCD lên mạng xã hội; không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua CCCD...để tránh bị lừa đảo.

Thời gian gần đây, Công an các đơn vị địa phương đã nhận được phản ánh của người dân về tình trạng thông tin cá nhân như tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, CCCD, quan hệ gia đình, nghề nghiệp, số tài khoản ngân hàng, số dư tài khoản ngân hàng… của họ bị lộ lọt.

Nhiều đối tượng đã lợi dụng gọi điện, nhắn tin qua điện thoại cũng như Facebook, Zalo,... để quấy rầy, thuyết phục mua bán hàng gia dụng, thời trang, mở các lớp đào tạo tiếng Anh, quảng cáo cho vay tín dụng, thậm chí là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đe dọa đến tính mạng.

Lưu ý quan trọng liên quan đến Căn cước công dân được Công an khuyến cáo mà người dân cần biết - Ảnh 1.

Căn cước công dân gắn chip (CCCD) là một loại giấy tờ chứa rất nhiều thông tin cá nhân quan trọng, bao gồm thông tin về tên, năm sinh, ảnh cá nhân, dữ liệu sinh trắc học cơ bản,… (Ảnh minh hoạ)

Theo nhận định của cơ quan điều tra, điều này xuất phát từ việc thời gian qua, tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng.

Nguyên nhân lộ, lọt thông tin chủ yếu xuất phát từ sự bất cẩn của người dân trên môi trường mạng; người dùng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân hoặc thực hiện các biện pháp bảo vệ chưa tương xứng; đăng tải công khai thông tin cá nhân trên không gian mạng hoặc bị lộ dữ liệu cá nhân trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi thông tin. Một số trường hợp nhân viên quản lý dữ liệu của tổ chức, doanh nghiệp móc nối, chia sẻ trái phép thông tin với bên thứ ba.

Từ việc lộ, lọt dữ liệu thông tin cá nhân đã tạo kẽ hở cho các đối tượng thu thập, mua bán dữ liệu cá nhân nhằm thu lợi trái phép và sử dụng dữ liệu cá nhân để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, rửa tiền... và sử dụng vào các hoạt động phạm tội khác.

Từ thực tế trên, công an các quận tại TP.HCM cũng như công an một số nơi khác đã đưa ra một số khuyến cáo để người dân nâng cao cảnh giác:

- Tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua CCCD/CMND hoặc tài khoản ngân hàng nếu không có mục đích chính đáng.

Lưu ý quan trọng liên quan đến Căn cước công dân được Công an khuyến cáo mà người dân cần biết - Ảnh 2.

Công an khuyến cáo người dân không đăng tải hình ảnh CCCD lên mạng xã hội; không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua CCCD...để tránh bị lừa đảo. (Ảnh minh hoạ)

- Không đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD/CMND, tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội. Không cung cấp thông tin CCCD/CMND cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội.

- Trường hợp bị mất CCCD/CMND, người dân cần trình báo ngay cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ. Đây là căn cứ để chứng minh chủ sở hữu của CCCD/CMND không có liên quan đến các giao dịch dân sự trong thời gian bị mất CCCD/CMND; đồng thời phòng ngừa trường hợp số căn cước của công dân bị lợi dụng thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật.

- Khi bị các đối tượng xấu lừa đảo, lấy cắp thông tin CCCD/CMND để tiến hành các hoạt động phi pháp, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng nơi gần nhất để được hỗ trợ. Trường hợp nghi ngờ, phát hiện số CCCD/CMND của mình bị sử dụng trái phép để mở tài khoản ngân hàng hoặc đăng ký thuê bao trả sau, cần nhanh chóng liên hệ ngân hàng, nhà mạng để được hỗ trợ khóa tài khoản, thuê bao.

- Trường hợp phát hiện đối tượng mượn, chụp, thuê CCCD/CMND hoặc mời chào cho thuê, mượn, mua, bán tài khoản ngân hàng đề nghị người dân tố giác và cung cấp ngay tài liệu, chứng cứ đến cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.

- Nếu biết đối tượng sử dụng CCCD/CMND, tài khoản ngân hàng vào mục đích vi phạm pháp luật, phạm tội nhưng bao che hoặc vẫn bán, cho thuê, cho mượn thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại