Lực lượng lao động tiềm năng tại Nhật Bản - những bà nội trợ

Hà Linh |

Tại Nhật Bản, có một lực lượng khá đông phụ nữ thông minh, có bằng đại học hiện ở nhà nội trợ. Họ được cho có nhiều tiềm năng giúp Nhật Bản phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.

Hai phụ nữ tại quận trung tâm ở Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: Getty Images

Hai phụ nữ tại quận trung tâm ở Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: Getty Images

Đài BBC (Anh) cho biết cựu Thủ tướng Shinzo Abe từng đưa ra chính sách có tên "Womenomics" với mục tiêu tạo ra một “Nhật Bản nơi phụ nữ có thể tỏa sáng”. Ông Abe cho rằng "Womenomics" có thể góp phần giải quyết tình trạng sụt giảm lực lượng lao động và già hóa dân số. Tuy nhiên, mục tiêu ông đề ra cho năm 2020 là 30% vị trí lãnh đạo tại Nhật Bản do phụ nữ đảm nhận đã “hụt hơi” so với thực tế, không chỉ bởi tác động của COVID-19.

Hiện nay, tỷ lệ nữ giới trong nghị viện Nhật Bản là 10%, trong khi đó ở lĩnh vực tư nhân, chỉ có 15% vị trí cấp cao do nữ giới đảm nhận. Những con số này chỉ bằng một nửa mục tiêu đề ra. Nhưng cựu Thủ tướng Abe khẳng định "Womenomics" là một thành công bởi ngày càng có nhiều nữ giới tham gia thị trường việc làm.

Trong nhiều thập niên qua, khoảng 60% phụ nữ Nhật Bản nghỉ việc sau khi sinh con đầu lòng. Truyền thống thường thấy là thu nhập của người chồng sẽ nuôi cả gia đình trong khi người vợ dành toàn bộ thời gian để chăm sóc con cái.

Trước khi chính sách “Womenomics” ra mắt, nhiều phụ nữ Nhật Bản đã rục rịch quay trở lại thị trường việc làm, một phần bởi thu nhập gia đình giảm.

Năm 2019, chỉ có 42,1% phụ nữ nghỉ việc sau sinh, điều này dẫn đến tỷ lệ 70% nữ giới trong độ tuổi 15-64 và 77,7% trong nhóm 25-44 tuổi tham gia lao động. Để ủng hộ xu hướng này, chính phủ Nhật Bản đã phát động chiến dịch loại bỏ danh sách chờ ở nơi trông giữ trẻ. Ngoài ra các công ty được khuyến khích có ít nhất một lãnh đạo cấp cao là nữ giới.

Hơn một nửa phụ nữ Nhật Bản tham gia lực lượng lao động có trình độ đại học, gần như tương đương với nam giới. Nhưng một khi rời bỏ công việc toàn thời gian, gần như rất khó để họ quay trở lại nghề nghiệp ban đầu sau một thời gian nghỉ.

Cô Yumiko Suzuki, hiện làm công việc tư vấn nghề nghiệp tại Warc Agent cho biết: “Nếu muốn quay lại làm việc, bạn sẽ phải tìm việc ở một siêu thị hoặc nơi nào đó mà sinh viên có thể kiếm việc bán thời gian”. Cách đây 15 năm, cô Suzuki cũng lựa chọn nghỉ việc để làm nội trợ toàn thời gian.

Nhưng sau 7 năm, cô Suzuki quyết định quay trở lại làm việc. Khi này, Suzuki nhận ra khoảng thời gian ở nhà đã tạo khoảng trống trong CV xin việc của cô. Sau đó, Suzuki dành thời gian để học thêm 3 chứng chỉ chuyên môn và kiếm được một công việc tại công ty khởi nghiệp. Hiện nay cô đang giúp nhiều phụ nữ khác có hoàn cảnh tương tự quay trở lại thị trường việc làm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại