Cho đến thời điểm này, việc Cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm hành chính với những tài xế vi phạm mà không xuất trình được bản gốc giấy đăng ký xe ô tô, không chấp nhận dùng bản sao giấy đăng ký xe có công chứng, chứng thực và xác nhận của ngân hàng vẫn là nỗi lo của rất nhiều người mua xe theo hình thức trả góp.
Phóng viên VOV phỏng vấn luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam về vấn đề này.
Ngân hàng được giữ giấy tờ gốc
PV: Theo quy định giao dịch đảm bảo thì Ngân hàng được quyền giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông. Trong khi đó luật cũng quy định người điều khiển ô tô phải mang theo bản gốc đăng ký xe. Theo ông, giải pháp nào cho vấn đề này?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Việc này đã được báo đài, các phương tiện thông tin phản ánh rất rõ, vấn đề là giải pháp thế nào. Theo tôi, có 2 giải pháp.
Cách thứ nhất là thực hiện như các quy định hiện hành, tức là theo yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, các Ngân hàng thương mại phải trả lại giấy tờ gốc; những người tham gia giao thông phải xuất trình giấy tờ gốc theo quy định của Luật giao thông đường bộ.
Hệ lụy của việc này là hiện nay có 1,3 triệu ô tô đang được đem đi thế chấp và cũng có nghĩa 1,3 triệu giấy tờ này sẽ được trả lại cho các chủ phương tiện.
Chưa có đánh giá tổng kết nào về việc khi tài sản thế chấp thuộc về người đang thế chấp và giấy tờ gốc của tài sản thế chấp đó được trả lại cho chính chủ thì hiện tượng trao bán, chuyển nhượng những tài sản đang là đối tượng của Ngân hàng thương mại sẽ xảy ra hệ lụy như thế nào.
Chuyển nhượng như vậy thì quyền lợi của Ngân hàng thương mại bị phương hại, kiện tụng để đòi lại tài sản phải mất đến 2-4 năm, thậm chí không biết đến khi nào, trong khi phương tiện đó vẫn được sử dụng; khi Ngân hàng đòi lại được thì giá trị của tài sản không còn nữa. Do vậy, hệ lụy của việc này là rất lớn.
Cách thứ hai là cho phép người tham gia giao thông sử dụng bản sao giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của tổ chức tín dụng khi lưu thông phương tiện. Cách này hiện nay các Ngân hàng thương mại đã làm.
Nói thêm rằng, các Ngân hàng thương mại hiện nay đang lách luật ở chỗ ngân hàng thỏa thuận để người thế chấp đồng ý cho họ “giữ giúp’ giấy tờ gốc để không bị “thất lạc”.
Cách này tuy không đúng luật nhưng ít nhất trong điều kiện hiện nay chưa kiểm soát được những giao dịch có thể vi phạm thì phương án này có thể chấp nhận được, nếu không sẽ xảy ra tình trạng “thả gà ra đuổi” mà đây là “gà thả hàng loạt” và nhà nước, người dân, doanh nghiệp sẽ rất mệt mỏi.
Vấn đề là bây giờ nhà nước giải quyết vấn đề này như thế nào? Theo tôi, cần làm gấp một Nghị định để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia giao thông.
Trong lúc này, pháp luật phải khẩn trương, kịp thời, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Nói nhà nước kiến tạo cũng đồng thời nói một nhà nước hành động hiệu quả.
PV: Thưa ông, theo quy định thì giấy tờ công chứng, chứng thực từ bản gốc có giá trị pháp lý như thế nào?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Theo Nghị định số 79/2007 của Chính phủ, bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch.
Luật công chứng cũng quy định giấy tờ đã được công chứng có giá trị như chứng cứ và những thông tin trên các loại giấy tờ như vậy không cần phải kiểm chứng lại.
Chỉ khi nào có tranh chấp ở tòa án thì tòa án mới có thể tuyên giấy tờ đó có hiệu lực hay không.
Như vậy, cách thứ 2 đã nêu có thể chấp nhận giấy tờ có công chứng, chứng thực, có xác nhận của ngân hàng là một giải pháp để không gây thêm bất an.
Cần nâng cao chất lượng xây dựng chính sách
PV: Theo tính toán, hằng năm có hàng triệu bản sao chứng thực, công chứng bị lạm dụng, không cần thiết vừa tốn kém, vừa phiền hà. Không những thế, bản sao công chứng chứng thực luôn kèm theo điều kiện phải đưa bản gốc để đối đối chiếu. Phải chăng việc chứng thực, công chứng là không đáng tin cậy thưa ông?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Có thể nói xã hội ta hiện nay chuộng giấy tờ. Vì chuộng giấy tờ nên vừa sinh ra tốn kém về tiền bạc, thì giờ cho nhà nước, người dân và doanh nghiệp vừa có hiện tượng làm giả giấy tờ.
Ngay cả khi đã có giấy tờ công chứng, chứng thực rồi thì một số bộ phận nào đó vẫn có thể lạm dụng để làm giả, mua bán, trao tay. Vấn đề là xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, tuyên truyền, phổ biến và kiểm soát thực sự hiệu quả.
PV: Theo cơ cấu, tổ chức bộ máy nhà nước, bộ, ngành nào cũng có bộ phận pháp chế. Chúng ta cũng có hẳn một cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Vậy tại sao vẫn tồn tại thực tế đáng buồn này, thưa ông?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Xây dựng, quản trị nhà nước hiệu quả là cả một quá trình, không thể một lúc có thể làm ngay được. Xu hướng hiện nay đang được cải thiện theo hướng minh bạch dần nhưng tốc độ còn chậm.
Xin lưu ý thêm, các bộ, ngành khi làm chính sách bao giờ cũng rà soát những chính sách của mình, đồng thời cũng có trách nhiệm rà soát những chính sách có liên quan ở các bộ, ngành khác.
Việc này hiện nay làm chưa tốt, vẫn còn tình trạng cát cứ, nội bộ. Vì vậy, Chính phủ cần nâng cao chất lượng xây dựng chính sách và thi hành pháp luật.
Động thái này nhân dân cũng đã bắt đầu tham gia, như cộng đồng doanh nghiệp tham gia đánh giá chất lượng xây dựng, thi hành pháp luật của các bộ, ngành.
Những nơi liên quan đến quyền của người dân như Cục kiểm soát thủ tục hành chính, Cục rà soát văn bản quy phạm pháp luật phải có trách nhiệm rà soát thường xuyên để phát hiện mâu thuẫn chồng chéo, điểm bất hợp lý trước sự phát triển về kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó bãi bỏ, đình chỉ, sửa đổi hoặc ban hành những quy định mới.
PV: Theo ông, có giải pháp nào cốt yếu, căn cơ để khắc phục tốt hơn tình trạng xây dựng chính sách?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Muốn làm chính sách tốt hơn thì những người quản lý phải lắng nghe tiếng nói của thực tiễn.
Tôi nghĩ, mối liên hệ máu thịt với doanh nghiệp, người dân thông qua nhiều kênh khác nhau như tiếp xúc với dân, qua các kênh phương tiện thông tin, báo chí, qua các hội nghị, hội thảo… qua đó cần xem chính sách có vấn đề gì, đó cũng là trăn trở cũng những người làm trong bộ máy nhà nước, nhưng trước hết là các Bộ trưởng. Chất lượng của Bộ trưởng, của Chính phủ trong lĩnh vực xây dựng chính sách là ưu tiên hàng đầu.
PV: Xin cảm ơn ông./.