Luật sharia là gì và Taliban sẽ áp dụng luật này như thế nào ở Afghanistan?

Hoàng Phạm |

Sau khi tiếp quản thủ đô Kabul của Afghanitsan, Taliban tuyên bố phụ nữ sẽ được hưởng các quyền lợi theo luật Hồi giáo, hay con gọi là luật sharia.

Một tay súng Taliban đi ngang qua cơ sở thẩm mỹ có hình phụ nữ trên tường đã bị phủ sơn ở Shar-e-Naw, Kabul, ngày 18/8/2021. Ảnh: AFP

Một tay súng Taliban đi ngang qua cơ sở thẩm mỹ có hình phụ nữ trên tường đã bị phủ sơn ở Shar-e-Naw, Kabul, ngày 18/8/2021. Ảnh: AFP

Trong cuộc họp báo ngày 17/8, người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid cho biết, lực lượng này sẽ thực hiện quyền của phụ nữ theo hệ thống luật Hồi giáo sharia”, nhưng ông nhấn mạnh, phụ nữ sẽ được học tập và làm việc trong các khuôn khổ.

“Họ sẽ kề vai sát cánh với chúng tôi. Chúng tôi muốn đảm bảo với cộng đồng quốc tế rằng, sẽ không có sự phân biệt”, ông nói.

Tuy nhiên, chế độ Taliban trước khi Mỹ đưa quân tới Afghanistan năm 2001 đặc biệt hà khắc với phụ nữ. Phụ nữ xuất hiện ở nơi công cộng mà không có người thân là nam giới có thể bị bắt và ép buộc kết hôn.

Waheedullah Hashimi, một chỉ huy cấp cao của Taliban nói với Reuters rằng, “sẽ không có hệ thống dân chủ” ở Afghanistan, thay vào đó, sẽ là luật sharia.

Luật sharia là gì?

Sharia là một bộ luật và các quy tắc trong đời sống hàng ngày của người Hồi giáo. Luật sharia dựa trên sự kết hợp của Kinh Quran và những điều răn của nhà tiên tri Muhammad.

Giáo sư Akbar Ahmed, Chủ tịch Viện nghiên cứu Hồi giáo tại Đại học Mỹ giải thích với USA Today rằng, “Luật sharia, hay từ sharia, trong bối cảnh văn hóa đương đại, đang ngày càng gây tranh cãi và bị bóp méo về cách hiểu".

“Sharia có nghĩa đen là ‘con đường’. Tất cả các hệ thống và tôn giáo đều có một con đường để đi đến cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn, thịnh vượng hơn và linh thiêng hơn”, ông nói.

Theo nhiều báo cáo khác nhau, luật Hồi giáo có thể áp dụng với luật hình sự của một đất nước, các bộ luật về vấn đề hôn nhân và thừa kế…

Có nhiều cách hiểu về sharia?

Theo ông Ahmed, có nhiều cách hiểu về sharia. Sharia “được định nghĩa rất rõ ràng bởi kinh Quran” nhưng cách diễn giải của các học giả, các chính phủ và các nền văn hóa lại khác nhau.

“Nhiều thế kỷ qua, có nhiều học giả Hồi giáo nổi tiếng, có người theo khía cạnh này, có người theo khía cạnh khác. Ví dụ, các học giả Hồi giáo Shia có thể có cách diễn giải khác nhau về cùng 1 vấn đề. Các học giả Indonesia, ở phương Đông, lại có cách diễn giải khác đi một chút. Tất cả các học giả đều có sự điều chỉnh với bối cảnh văn hóa”, ông nói.

“Trong tay Taliban, nó có thể khác biệt với cách mà Ma Rốc hay Indonesia diễn giải và áp dụng sharia”, ông William Granara, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Havard cho biết.

Sharia nói gì về quyền phụ nữ và Taliban đã áp dụng như thế nào trước đây?

Theo ông Ahmed, quyền của phụ nữ là yếu tố chính cho thấy các cách diễn giải về sharia có nhiều khác biệt.

Hồi giáo chính dòng bao quát quyền của phụ nữ và vai trò của phụ nữ xuyên suốt lịch sử. Ông Ahmed giải thích rằng “nam giới và nữ giới được phân chia rất công bằng trong kinh Quran”. Nhưng theo cách diễn giải cực đoan của Taliban về luật sharia, phụ nữ “gần như không có quyền gì”.

“Phụ nữ không được hưởng thừa kế. Họ thường xuyên bị phân biệt đối xử hoặc thậm chí bị đối xử tàn nhẫn. Đôi khi họ bị giết để làm vật tế”, theo ông Ahmed.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, “Hồi giáo chính dòng cũng nói rằng những người này không đại diện cho tất cả họ”.

Khi Taliban cai trị ở Afghanistan giai đoạn 1996-2001, lực lượng này áp dụng cách diễn giải hà khắc của luật sharia. Phụ nữ phải mặc burqa – những bộ trang phục che kín từ đầu tới chân, dùng mạng che mặt – và có thể bị đánh đập nếu họ xuất hiện bên ngoài mà không có người thân là nam giới đi cùng.

Các trường nữ sinh bị đóng cửa. Những người vi phạm luật lệ của Taliban có thể bị hành hình, bị đánh bằng roi hoặc bị ném đá.

Một số khu vực của Afghanistan vẫn duy trì hoặc đã trở lại luật lệ của Taliban trong suốt 2 thập kỷ qua. Ở một số khu vực khác, Taliban vẫn áp đặt các quy tắc nghiêm ngặt, mặc dù đã có những cải cách vừa phải.

Phụ nữ sẽ được đối xử như thế nào ở Afghanistan khi Taliban trở lại?

Theo các chuyên gia, điều này chưa hoàn toàn rõ ràng.

Ông Ahmed nhấn mạnh về cách đối xử tiêu cực của Taliban đối với phụ nữ khi lực lượng này cai trị Afghanistan giai đoạn 1996-2001. Tuy nhiên, ông cũng đề cập tới tuyên bố mới đây của Taliban rằng họ sẽ ủng hộ quyền của phụ nữ theo luật Hồi giáo.

“Tôi đã theo dõi các tuyên bố [của Taliban] về phụ nữ. Tôi cũng đã nghe về các phản ứng của phụ nữ ở Afghanistan. Họ hoài nghi các tuyên bố đó và cho rằng, đó chỉ là một trò quảng bá hình ảnh. Bằng chứng sẽ nằm ở thực tế những gì diễn ra”, ông Ahmed nói.

Trong khi đó, Abdulaziz Sachedina, một giáo sư về tôn giáo và chính trị tại Đại học George Mason, người chuyên nghiên cứu về Hồi giáo, cho rằng sẽ mất nhiều thời gian và nỗ lực để Taliban áp dụng các chính sách liên quan đến sharia.

Theo ông Sachedina, sharia không phải là một hệ thống được luật hóa đối với một nhà nước hiện đại với các luật thương mại và luật hành chính.

“Sharia không nói bất cứ điều gì về các luật này, nhưng đó lại là cách mà bạn sẽ điều hành đất nước. Sharia đã quá xa rời với một nhà nước hiện đại mà chúng ta biết”, ông Sachedina cho biết./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại