Lúa đổ rạp trong nước, thương lái không mua

Lê Huy Hải |

Vụ lúa Hè Thu 2016 ở tỉnh Kiên Giang đang giai đoạn cuối vụ thu hoạch. Tuy nhiên, nhiều nông dân ở huyện An Biên kém vui do tác động bất lợi của thời tiết làm cho lúa đổ ngã, chìm trong nước và không bán được.

Mùa vụ sản xuất của họ tiếp tục gánh chịu thêm thiệt hại kể từ sau đợt hạn mặn nghiêm trọng hồi đầu năm nay mà hậu quả còn chưa khắc phục xong.

Nông dân Danh Liệu cư ngụ khu phố 2, thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên (Kiên Giang), cho biết vụ lúa Hè Thu này gia đình gieo sạ 1,2 ha sắp thu hoạch, sản lượng ước khoảng 9 - 10 tấn, dự tính lợi nhuận trên dưới 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí sản xuất.

Thế nhưng, do ảnh hưởng của thời tiết mưa bão, lốc xoáy, hầu hết diện tích lúa đã làm đổ sập và bị nhấn chìm trong nước dẫn đến năng suất, chất lượng lúa sụt giảm, chi phí thu hoạch tăng lên gấp nhiều lần, giá bán thấp, thậm chí thương lái không mua.

Nông dân Danh Liệu chia sẻ, bình thường giá thuê máy gặt đập lúa là 2,6 triệu đồng/ha, ra lúa hột bán ngay cho thương lái tại đồng.

Còn lúa bị đổ ngã, ngập úng buộc phải thu hoạch thủ công từ thuê gặt, tuốt hột, phơi sấy, vận chuyển… với tổng chi phí tăng lên gấp 4 - 5 lần so với thu hoạch bằng máy, chưa kể thất thoát, chất lượng sụt giảm 50 - 60%, tiêu thụ khó khăn dù bán giá 3.500 - 3.800 đồng/kg lúa khô, thậm chí giá thấp hơn vẫn không có người mua.

Tương tự, những nông dân như Danh Nhẹ, Danh Bảnh, Thị Đẹp, Võ Thị Thắm và nhiều chủ ruộng khác cư ngụ cùng địa chỉ trên “mất ăn, mất ngủ” vì “nồi cơm” của gia đình chìm trong nước, cuộc sống vốn đã khó khăn càng thêm vất vả.

Bên thửa ruộng 0,5 ha với hơn 2/3 lượng lúa ngâm dưới nước, nông dân Danh Nhẹ đang mò gặt từng bụi lúa vì không thể thu hoạch bằng máy, máy chỉ gặt được phần lúa còn đứng trên mặt nước, phần chìm sâu không thu được nên hao hụt rất lớn, bắt buộc phải cắt tay.

"Đầu năm sản xuất bị hạn mặn gây thiệt hại, vụ Hè Thu này cố làm để bù đắp lại nhưng lúa chín chưa kịp thu hoạch thì bị mưa bão làm đổ ngã nên cầm chắc thua lỗ.", nông dân Danh Nhẹ nói.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên, ảnh hưởng của cơn bão số 4 và thời tiết diễn biến khá phức tạp đã gây đổ sập, ngập úng cục bộ khoảng hơn 1.000 ha lúa Hè Thu, làm giảm đáng kể năng suất, sản lượng, chất lượng lúa.

Ông Lê Văn Liền, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên, cho hay phần lớn diện tích lúa bị đổ ngã, úng ngập đang giai đoạn chín, sắp thu hoạch.

Trước tình hình này, các địa phương hướng dẫn nông dân khẩn trương tháo nước trên đồng, huy động máy gặt đập thu hoạch lúa nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại sản xuất của bà con.

Tuy nhiên, vùng sản xuất phía bờ Đông kênh xáng Xẻo Rô là vùng trũng thấp, hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, gieo trồng lúa gần như lệ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên nên trước những tác động bất lợi của thời tiết sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất.

Những ngày này, đồng đất An Biên lúa đổ sập, chìm trong biển nước, bông lúa mọc mầm, lúa chất đống không bán được.

Nông dân nhờ vào sản xuất 2 vụ lúa/năm để trang trải cho cuộc sống, nhưng cả 2 vụ trong năm 2016 này đều bị tổn thất, thiệt hại nặng nề.

“Để sản xuất an toàn, bền vững và hiệu quả trong thời gian tới, huyện An Biên cần quy hoạch lại vùng, tiểu vùng sản xuất gắn với bố trí cây trồng, vật nuôi chủ lực phù hợp, trong đó chú trọng mô hình canh tác lúa - tôm đang phát huy hiệu quả vượt trội trong thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Cùng với đó, đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thủy lợi, trạm bơm để chủ động điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với doanh nghiệp, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu và thị trường ổn định.", ông Lê Văn Liền chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại