Nay đã khác xưa
Nhiều người hẳn còn nhớ bức ảnh lịch sử chụp cố Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt "kề vai sát cánh" cùng cố Thủ tướng Anh Winston Churchill tại Hội nghị Yalta năm 1945, quyết định số phận của các quốc gia tham chiến trong Chiến tranh Thế giới II.
Giới truyền thông cũng khó có thể quên câu chuyện bên lề hài hước tại Hội nghị Các nước Công nghiệp Phát triển (G8) diễn ra tại St. Petersburg (Nga) ngày 17/7/2006, khi cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã thể hiện tình thân như thủ túc với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair bằng câu chào thân mật: "Yo, Blair!"
Nhưng đó đã là câu chuyện của quá khứ. Quan hệ Anh – Mỹ giờ đây đã không còn được như xưa. Ông Steve Hilton, cố vấn cấp cao của cựu Thủ tướng Anh David Cameron, cho rằng ông chủ Số 10 Downing không có mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Mỹ Barack Obama như mọi người thường thấy. Tuy nhiên, phải đến dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May, quan hệ Anh – Mỹ mới cho thấy những rạn nứt đáng kể.
Trong bối cảnh đó, một chuyến thăm chính thức tới London của Tổng thống Donald Trump là cần thiết nhằm sốc lại tình anh em năm nào. Nếu như trong Hạ viện Anh, các Nghị sỹ thể hiện thái độ đối với một dự thảo bằng cách hô to "Aye" (Có) hay "Nay" (Không) thì giờ đây, xứ sở sương mù đang "phân vân" không kém khi ông chủ Nhà Trắng đặt chân xuống sân bay Stansted ngày 3/6.
Quan hệ thân thiết giữa cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush từng là biểu tượng của quan hệ Anh - Mỹ. (Nguồn: Getty)
Thịnh tình khi giao thiệp
Một mặt, dù ai nói ngả nói nghiêng, Mỹ tiếp tục là đồng minh quan trọng nhất của Anh bên kia bờ Đại Tây Dương. Do đó, Tổng thống Donald Trump và phu nhân Melania đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu từ phía chính phủ Anh, tham gia yến tiệc và nhận món quà đặc biệt, phiên bản đầu tiên cuốn sách "Chiến tranh Thế giới II" của cố Thủ tướng Winston Churchill, từ đích thân Nữ hoàng Anh Elizabeth II. May mắn thay, trong lần gặp gỡ này, ông Trump đã giữ ý hơn, tuy nhiên, cái bắt tay theo kiểu "nắm đấm" của ông với Nữ hoàng vẫn khiến nhiều người khó hiểu.
Ít ra bài phát biểu của ông thì không: Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định "tình bạn vĩnh cửu" giữa London và Washington đã bảo đảm an ninh và thịnh vượng cho cả hai quốc gia trong nhiều thập kỷ. Ông Trump cũng dành nhiều lời khen cho yến tiệc Hoàng gia.
Về phần mình, Nữ hoàng Anh Elizabeth II dành lời ngợi ca vai trò của hai nước trong việc xây dựng các thể chế quốc tế để "nỗi kinh hoàng của chiến tranh không lặp lại".
Tổng thống Mỹ cũng có một số hoạt động bên lề đáng chú ý như thăm Điện Westminster, đặt vòng hoa tưởng niệm liệt sỹ vô danh, ghé thăm Nhà Clarence dùng trà cùng Hoàng tử Charles và nữ Công tước xứ Cornwall.
Gắt gao lúc bàn thảo
Ngày 4/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May sẽ bàn chuyện "chính sự". Dưới thời bà May, chính phủ đã hao tổn quá nhiều sức lực cho tiến trình Brexit khiến London chẳng có mấy thời gian để tập trung giải quyết các vấn đề khác.
Thêm vào đó, các quyết sách của ông Trump như rút khỏi Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris (COP21) và Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) về hạt nhân Iran, lên tiếng chỉ trích Thủ tướng Theresa May và ngợi ca chính trị gia Boris Johnson đã khiến người Anh nóng mặt. Đây là các vấn đề nhiều khả năng sẽ được bàn thảo trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, song khó kỳ vọng rằng ông Trump và bà May có thể tìm được đồng thuận trong phần lớn các hồ sơ này.
Một trong số đó chính là số phận của Brexit cũng như một thỏa thuận thương mại giữa Anh và Mỹ. Phát biểu trong yến tiệc, ông Trump nhấn mạnh một thỏa thuận thương mại sẽ diễn ra một khi Anh gỡ bở những "rào cản". Không khó để nhận ra rằng "rào cản" được ông chủ Nhà Trắng đề cập ở đây là Brexit và hợp tác với Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, những diễn biến xung quanh tiến trình này cho thấy London chưa muốn hay sẵn sàng xa rời Brussels. Chừng nào điều đó chưa diễn ra, đến lúc đó, thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ mà Anh hằng mong muốn vẫn chỉ là những lời nói suông.
Một vấn đề "khó nhằn" khác chính là biến đổi khí hậu. Ngày 3/6, Người Phát ngôn Chính phủ Anh đã khẳng định London "thất vọng trước quyết định của Washington về rút khỏi COP21". Tuy nhiên, khi mà sự chỉ trích của cả châu Âu không làm ông Trump nản lòng thì một hai câu cứng rắn của Thủ tướng Anh sắp mãn nhiệm, đôi lời đấu khẩu của Thị trưởng London hay vài nghìn người biểu tình bên ngoài điện Buckingham sẽ chẳng hề hấn gì với ông chủ Nhà Trắng.
Những người biểu tình phản đối chuyến thăm Anh của ông Trump đứng ngoài Cung điện Buckingham ngày 3/6. (Nguồn: Getty Images)
Các quan chức cấp cao của NATO cũng đang "nín thở" theo dõi cuộc thảo luận của lãnh đạo Anh và Mỹ, hai quốc gia xương sống của tổ chức này. 40 năm trước, Tổng Thư ký đầu tiên của NATO Ismay từng nhận định rằng tổ chức này tồn tại để "ngăn người Nga, đón người Mỹ và kiềm người Đức". Tuy nhiên, khi Berlin đã không còn là mối đe dọa, Moscow đã ít nhiều suy vi thì Washington lại đang muốn "giật lùi", thậm chí là kéo theo cả London. Điều này có thể đe dọa sự tồn tại của NATO nói riêng và an ninh châu Âu nói chung.
Huawei cũng sẽ là một chủ đề nóng được thảo luận trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. Mỹ đã đưa tập đoàn của Trung Quốc vào "danh sách đen", trong khi Anh vẫn cho phép doanh nghiệp này cung cấp các thành phần "không chủ chốt" trong hệ thống mạng 5G. Washington nhiều khả năng sẽ thuyết phục London nối gót mình, song điều này là khó có thể xảy ra khi mà lợi ích hợp tác với Huawei vẫn còn đó.
Trong bối cảnh đó, có thể nói chuyến thăm London của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là một cuộc hành trình đầy những "Aye" và "Nay", với vô vàn sắc màu như sự nghiệp chính trị phi thường và cũng đầy sóng gió của nhà lãnh đạo này.