Theo CNN, hai tấm ảnh do Stratfor Worldview & Allsource Analysis cung cấp. Ảnh cho thấy, căn cứ của Trung Quốc ở Djibouti nằm ở vị trí nút thắt chiến lược ở Vùng sừng châu Phi, được phòng thủ kiên cố với ba lớp an ninh và có khoảng 23.000m2 không gian dưới lòng đất, theo phân tích của Stratfor, một công ty chuyên về tình báo địa chính trị đặt ở Mỹ.
"Kiểu xây dựng này phù hợp với những tập tục thường thấy của Trung Quốc trong việc củng cố các căn cứ quân sự của họ. Các cấu trúc ngầm cho phép các hoạt động diễn ra mà không bị quan sát, cũng như bảo vệ cho xe và những cơ sở thiết yếu đối với sứ mệnh của Trung Quốc ở Djibouti," Strafor cho biết trong một phân tích có kèm hình ảnh.
Trung Quốc đã phái binh sĩ đến căn cứ ở Djibouti hồi đầu tháng này. Mỹ, Pháp và Nhật Bản cũng có các căn cứ quân sự thường trực ở đây nhưng không được phòng thủ kiên cố như của Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, căn cứ này là một cách để Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc giúp mang lại hòa bình và an ninh cho khu vực bằng cách cung cấp phương tiện thực hiện hoạt động chống hải tặc và hỗ trợ nhân đạo.
Tuy nhiên, hình ảnh chụp hôm 4/7 cho thấy Trung Quốc vẫn chưa bắt đầu xây dựng các bến tàu, điều mà Stratfor gọi là đáng chú ý vì mục đích nói trên của căn cứ.
Các nhà phân tích nhận xét, căn cứ này là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập một lực lượng hải quân toàn cầu có khả năng thực hiện các chiến dịch trên khắp thế giới - được gọi là "hải quân nước xanh" (hải quân viễn dương). Tuy nhiên, theo phân tích của Stratfor, việc xây dựng căn cứ cũng cho thấy nó sẽ được sử dụng không chỉ riêng mục đích hải quân.
Đường băng và nhà chứa máy bay của nó dường như đủ lớn để chứa nhiều loại máy bay trực thăng, nhưng không phải máy bay có cánh cố định như máy bay không người lái hoặc máy bay chiến đấu.