Lộ diện UAV trực thăng bí ẩn trên tàu đổ bộ Type 075 và đội hình UAV trực thăng của Trung Quốc

Thu Thủy |

Tối ngày 1/10, kênh quân sự CCTV phát phóng sự các doanh trại quân đội Trung Quốc tổ chức thượng cờ kỷ niệm 72 năm Quốc khánh, không rõ vô tình hay cố ý. đã để lộ một loại UAV trực thăng chưa hề được nói tới.

Hình ảnh chiếc trực thăng không người lái bí ẩn trên tàu đổ bộ tấn công Type 075 Hải Nam (Ảnh: 163).

Hình ảnh chiếc trực thăng không người lái bí ẩn trên tàu đổ bộ tấn công Type 075 Hải Nam (Ảnh: 163).

Trong hình ảnh được Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, những ai tinh ý đều thấy một máy bay không người lái bí ẩn mới xuất hiện trên boong của chiếc tàu tấn công đổ bộ Type 075 đầu tiên Hải Nam thuộc biên chế Hạm đội Nam Hải, vốn sử dụng các loại máy bay trực thăng thông thường.

Ngày nay, sử dụng máy bay trực thăng không người lái cơ động linh hoạt trên hạm tàu đang là xu thế phát triển chủ đạo của thế giới hiện nay, chẳng hạn như loại S-100 của Áo, dòng MQ-8 Fire Scout của Mỹ, v.v.

Thậm chí UAV trực thăng đã thay thế các máy bay trực thăng có người lái truyền thống theo một nghĩa nào đó. Chẳng hạn như các tàu tuần tra lớp Floreal của Hải quân Pháp đã bắt đầu thay thế các trực thăng có người lái bằng UAV trực thăng S-100 trong các nhiệm vụ thường xuyên của họ.

Lộ diện UAV trực thăng bí ẩn trên tàu đổ bộ Type 075 và đội hình UAV trực thăng của Trung Quốc - Ảnh 2.

Các UAV trực thăng MQ-8B (trái) và MQ-8C của Mỹ (Ảnh: 163).

So sánh các nhân viên đứng gần đó, có thể suy ra chiếc trực thăng không người lái bị ẩn trên tàu tấn công đổ bộ Type 075 Hải Nam có kích thước không hề nhỏ, kích thước tương đương với chiếc Zh-11 mà quân đội Trung Quốc đang trang bị.

Đánh giá từ việc sử dụng thiết bị thực tế ở các quốc gia khác nhau, máy bay trực thăng không người lái "tích hợp trinh sát và chiến đấu" thực hiện các nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, giám sát, trinh sát, theo dõi mục tiêu, đánh giá kết quả chiến đấu, chuyển tiếp liên lạc, tác chiến điện tử và tấn công vũ trang tại độ cao thấp và cực thấp trên biển.

Xét từ tính năng của trực thăng Zh-11, có thể suy đoán kích thước cụ thể của loại máy bay không người lái này là khoảng 2 tấn, nằm giữa MQ-8B Fire Scout (trọng lượng cất cánh tối đa 1,4 tấn) và MQ-8C (trọng lượng cất cánh tối đa 2,7 tấn).

Lộ diện UAV trực thăng bí ẩn trên tàu đổ bộ Type 075 và đội hình UAV trực thăng của Trung Quốc - Ảnh 4.

Mô hình chiếc UAV trực thăng bí ẩn trên chiếc Type 075 đang đóng (Ảnh: 163).

Giống như MQ-8B Fire Scout, chiếc máy bay trực thăng không người lái này của PLA sử dụng cấu hình thông thường là cánh quạt đơn chính và cánh quạt đuôi.

Nó có kích thước vừa phải không gây ra hạn chế về bãi đáp, có thể cất cánh và hạ cánh trên boong trống, không cần trang bị máy phóng cất cánh, thiết bị thu hồi và các thiết bị khác; cũng có thể bay treo lơ lửng trên không và bay ở độ cao cực thấp trong thời gian dài.

Với tiêu chí "trọng tải là hiệu quả chiến đấu!", quân đội Mỹ đã lựa chọn sản xuất trực thăng không người lái ngày càng lớn. Ví dụ, dòng MQ-8 đã phát triển RQ-8A, MQ-8B và MQ-8C. Hai chiếc đầu phát triển trên cơ sở máy bay trực thăng piston hạng nhẹ Schweizer 330/333 (lớn hơn nhiều so với AR-500B); còn chiếc MQ-8C được phát triển trên cơ sở trực thăng Bell-407.

Lộ diện UAV trực thăng bí ẩn trên tàu đổ bộ Type 075 và đội hình UAV trực thăng của Trung Quốc - Ảnh 5.

Chiếc trực thăng không người lái trên tàu AR-500B đầu tiên bay thử thành công (Ảnh: 163).

Đồng thời, do bỏ qua các cấu trúc quan trọng như cabin và trọng lượng của người lái, không gian và trọng tải vốn có có thể được sử dụng để chở nhiên liệu. MQ-8B có thời lượng bay liên tục 8 giờ và kiểu MQ-8C mới nhất có thời lượng bay liên tục là 12 giờ.

Chuyên gia dự đoán thời gian hoạt động trên không của chiếc trực thăng không người lái trên tàu sân bay mới Trung Quốc sản xuất trong nước này cũng từ 8 đến 12 giờ.

Qua xem xét các thông tin liên quan thì thấy một mô hình tương tự như loại trực thăng không người lái mới này cũng đã xuất hiện trên chiếc tàu tấn công đổ bộ Type 075 mới đang được đóng.

Mũi nó được trang bị một tháp quang điện hình cầu kích thước nhỏ và dưới hàm có một giá đỡ tương tự như loại trực thăng Zh-9C/D, có thể được trang bị cảm biến quang điện và radar khẩu độ tổng hợp cùng các thiết bị tìm kiếm trên mặt đất/trên biển khác.

Lộ diện UAV trực thăng bí ẩn trên tàu đổ bộ Type 075 và đội hình UAV trực thăng của Trung Quốc - Ảnh 7.

Lục quân Trung Quốc sử dụng UAV trực thăng AR-500 để tiếp tế vật tư, hàng hóa cho các chốt tiền tiêu ở biên giới Trung - Ấn (Ảnh: CCTV).

Máy bay trực thăng không người lái "tích hợp trinh sát và chiến đấu" trên tàu có thể giúp nâng cao đáng kể khả năng nhận biết, phán đoán tình huống của tàu tấn công đổ bộ, và nếu có thể mang tải trọng vũ khí như UAV trực thăng MQ-8C của Mỹ, nó sẽ không chỉ chia sẻ nhu cầu hỗ trợ hỏa lực cho các trực thăng vũ trang và các trực thăng vận tải, mà còn có thể thực hiện các nhiệm vụ tác chiến thông thường như chống tàu ngầm và chống hạm.

Lần này, chiếc trực thăng không người lái này lại xuất hiện trong chương trình truyền hình quân sự Trung Quốc, có nghĩa là chiếc máy bay này đã được triển khai trong thực tế.

Điều này cũng có nghĩa là ngoài các trực thăng vận tải thông thường và trực thăng vũ trang có người lái, tàu tấn công đổ bộ Type 075 của quân đội Trung Quốc còn có các mẫu máy bay mới. Nó không chỉ có "mắt" và "lính canh" đáng tin cậy mà còn có "sát thủ không sợ hy sinh" trên biển.

Lộ diện UAV trực thăng bí ẩn trên tàu đổ bộ Type 075 và đội hình UAV trực thăng của Trung Quốc - Ảnh 8.

Một phi đội UAV trực thăng CR-500 Golden Eagle trang bị cho Lục quân PLA (Ảnh: Sunnews).

Quân đội Trung Quốc trước đó cũng đã phát triển một loại máy bay trực thăng không người lái hạng nhẹ và nhỏ. Vào ngày 27/11 năm ngoái, chiếc trực thăng không người lái trên tàu AR-500B do Tập đoàn Công nghiệp hàng không tự nghiên cứu phát triển đã lần đầu tiên bay thành công tại căn cứ bay thử nghiệm Phàn Dương, lấp đầy khoảng trống trong lĩnh vực liên quan.

Kích thước của AR-500B lớn hơn loại S-100, trọng lượng cất cánh tối đa 500 kg, thời gian bay liên tục tối đa là 4 giờ; bán kính hoạt động 100 km, tốc độ bay liên tục tối đa 140 km/giờ, tốc độ bay liên tục trung bình 120 km/giờ và trần bay thực tế 4000 mét.

Khả năng hành trình và bay liên tục có thể giúp nó thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, tuần tra hoặc chuyển tiếp thông tin liên lạc trên biển, nhưng khả năng tấn công ở mức trung bình do tải trọng hạn chế.

Vào dịp ngày Quốc khánh năm ngoái, Cục Hậu cần Lục quân Trung Quốc đã tổ chức cho một số đơn vị sử dụng hơn một chục máy bay không người lái loại nhiều cánh quạt và trực thăng không người lái để tiếp tế cho các đơn vị lẻ làm nhiệm vụ chốt giữ tiền tiêu ở Medog, Tây Tạng trên biên giới với Ấn Độ.

Trong số đó, loại UAV trực thăng AR-500 trên cùng dòng với trực thăng trên hạm AR-500B cũng xuất hiện trong phi đội này, mở ra kênh vận chuyển đường không cho các vị trí tiền đồn nằm đơn độc ở nơi băng giá, giúp các binh sĩ được ăn trái cây tươi, rau củ và bánh trung thu.

Lộ diện UAV trực thăng bí ẩn trên tàu đổ bộ Type 075 và đội hình UAV trực thăng của Trung Quốc - Ảnh 10.

Mỗi chiếc CR-500 Golden Eagle có thể mang 8 tên lửa tấn công mục tiêu mặt đất (Ảnh: Sunnews).

Trung Quốc không chỉ phát triển máy bay trực thăng không người lái trên tàu mà những năm gần đây cũng bắt đầu đưa trực thăng chiến đấu không người lái vào trang bị trong Lục quân.

Ví dụ, loại máy bay trực thăng không người lái CR-500 Golden Eagle ngắn và nhỏ gọn với hai cánh quạt đồng trục, không có cánh đuôi. Cách đây không lâu, một lữ đoàn của Tập đoàn quân 73 đã tiến hành huấn luyện vượt biển đổ bộ, trực thăng không người lái CR-500 Golden Eagle đã được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại