Liệu Biden và Putin có thể xoa dịu nguy cơ chiến tranh hạt nhân như Reagan và Gorbachev?

Mai Trang |

Hai Tổng thống Biden – Putin có thể giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân, giúp thế giới trở nên an toàn hơn so với năm 1985, thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa ông Reagan và ông Gorbachev hay không?

Tổng thống Biden và Tổng thống Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ ngày 16/6 tại Geneva, Thụy Sỹ. Ảnh:

Tổng thống Biden và Tổng thống Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ ngày 16/6 tại Geneva, Thụy Sỹ. Ảnh:

Tuyên bố chung về “ổn định chiến lược”

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ diễn ra ngày 16/6 tại Geneva, Thụy Sỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra một tuyên bố chung chứa đựng âm hưởng mạnh mẽ của cựu Tổng thống Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Tuyên bố tái khẳng định nguyên tắc “một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể chiến thắng và không bao giờ được xảy ra”, đồng thời cam kết Nga và Mỹ sẽ tham gia vào một cuộc đối thoại song phương về “ổn định chiến lược” nhằm giảm nguy cơ xung đột không chủ ý và hạn chế vũ khí hạt nhân.

Ông Reagan và ông Gorbachev đã có những tuyên bố tương tự tại hội nghị thượng đỉnh Geneva năm 1985. Đó là thời điểm có nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân, mà họ đã thành công trong việc giảm nhẹ tình hình.

Liệu ông Biden và ông Putin có thể lật ngược tình thế và giúp thế giới trở nên an toàn hơn so với năm 1985? Thời gian sẽ trả lời câu hỏi này, nhưng những điều đã xảy ra trong lịch sử sẽ đem lại những gợi ý.

Newsweek đã phân tích quan điểm xung quanh các cuộc thảo luận năm 1985 xem thế giới hiện nay có an toàn hơn vào thời điểm đó hay không. Theo đó, an toàn hạt nhân đã đi xuống kể từ hội nghị thượng đỉnh năm 1985.

Năm 1985, cựu Tổng thống Mỹ Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Gorbachev đưa ra tuyên bố chung dựa trên sự hy vọng và xây dựng lòng tin.

Vào thời điểm năm 1985, Nga và Mỹ cùng có khoảng 60.000 vũ khí hạt nhân. Hiện tại, Mỹ và Nga có gần 12.000 vũ khí hạt nhân và gần đây 2 nước đã cùng nhau làm việc để chấm dứt cuộc đụng độ giữa Armenia và Azerbaijan.

Có những lý do thuyết phục để tìm ra điểm chung giữa 2 quốc gia trong một số lĩnh vực như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường biển, đại dịch và các mối đe dọa toàn cầu khác. Những mối đe dọa này không phân biệt quốc gia và chỉ có thể giải quyết bằng cách xây dựng niềm tin và hợp tác hiệu quả.

Đây là nền tảng cho sự ổn định chiến lược trong thế kỷ 21. Sự ổn định chiến lược phải bắt nguồn từ an ninh con người, vì sự ổn định của khí hậu, môi trường, an ninh lương thực và sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, đó không phải là cách các quốc gia có vũ khí hạt nhân nghĩ về sự ổn định chiến lược. Đối với họ, đó là một cách để hợp lý hóa tình trạng nguy hiểm không thể giải quyết được.

Các nước có vũ khí hạt nhân vẫn theo đuổi chương trình mở rộng hạt nhân của riêng họ, và 2 quốc gia sở hữu hơn 90% vũ khí hạt nhân (Mỹ và Nga) nói rằng họ duy trì an ninh toàn cầu dựa trên mối đe dọa liên tục. Sự bất hợp lý này đang kích thích một cuộc chạy đua vũ trang mới và rõ ràng nó không hề dẫn tới sự ổn định.

Chính sách “không sử dụng trước”

Một diễn biến đáng chú ý trong hội nghị thượng đỉnh năm 1985 là ông Reagan và ông Gorbachev đã loại bỏ cách tiếp cận này. Tuyên bố chung của họ nêu rõ “bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Liên Xô và Mỹ có thể gây ra hậu quả thảm khốc” và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn bất kỳ cuộc chiến nào giữa 2 bên, dù có sử dụng vũ khí hạt nhân hay không.

Họ sẽ không tìm cách đạt được ưu thế về quân sự. Logic của cách tiếp cận mới không giống như logic của sự ổn định chiến lược thông thường; nó rất đơn giản và rõ ràng, và là nền tảng cho tất cả những tiến bộ trong việc giảm bớt nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân sau này.

Đây là cách tiếp cận mà ông Biden và ông Putin cần thực hiện khi Mỹ và Nga bắt tay vào các cuộc đàm phán ổn định chiến lược. Thay vì mỗi bên tìm cách bảo toàn lợi thế quân sự, họ nên đồng ý rằng không bên nào nên tìm kiếm ưu thế quân sự, và mục đích chung là ngăn chặn bất kỳ cuộc chiến nào giữa 2 nước.

Cách tốt nhất để bắt đầu thực hiện ý tưởng đó và xây dựng lòng tin là áp dụng chính sách “không sử dụng trước” (No first use), trong đó khẳng định họ sẽ không phải là nước đầu tiên bắt đầu một cuộc tấn công hạt nhân. Điều này sẽ xây dựng sự tin tưởng trên toàn cầu.

Tuần trước, một lá thư đã được gửi tới ông Biden và ông Putin nhằm thúc giục họ thực hiện chính sách này. Bức thư có chữ ký của hơn 900 nhà lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm nhiều cựu bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry. Họ sẽ ủng hộ mạnh mẽ về mặt chính trị cho một chính sách như vậy và cam kết sẽ giúp vận động.

Việc Mỹ và Nga áp dụng chính sách “không sử dụng trước” là một bước đi cụ thể và khả thi có thể thực hiện để ngăn chặn chiến tranh hạt nhân. Điều này sẽ làm cho thế giới ngày nay trở nên an toàn hơn so với năm 1985, và tạo điều kiện cho quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân.

Việc áp dụng chính sách vào thời điểm hiện tại gặp ít trở ngại hơn so với năm 1985. Tất cả những gì cần làm các nhà lãnh đạo ngày nay thể hiện sự dũng cảm giống như ông Reagan và ông Gorbachev khi đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại