S-75 Việt Nam đã có năng lực tác chiến vượt trội

Hải Dương |

Báo điện tử Phòng không - Không quân mới đây đã đăng tải một số hình ảnh huấn luyện với tổ hợp tên lửa S-75M3 của cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 66, Trung đoàn 275.

S-75M3 Volga-2 là gói nâng cấp được Tập đoàn Almaz-Antey của Nga giới thiệu vào năm 2001, mục đích nhằm nâng cao năng lực tác chiến cho các tổ hợp tên lửa phòng không S-75/75M (SA-2) đã lạc hậu bằng cách bổ sung thêm nhiều thành phần kỹ thuật số dùng trong hệ thống S-300PMU-1/2.

Sau khi hiện đại hóa, khả năng kháng nhiễu điện tử của S-75M3 tăng lên tới 20 lần so với nguyên bản, chịu được cường độ nhiễu 2.000 W/MHz phát ra từ máy gây nhiễu ở cự ly 100 km, có thể tự động theo dõi mục tiêu và dẫn hướng đạn đánh chặn trong môi trường tác chiến điện tử mạnh.

Đài điều khiển hỏa lực SNR-75M3 bám bắt được đối tượng cách xa 100 km, kiểm soát bắn cho 2 tên lửa cùng lúc, tăng khả năng theo dõi mục tiêu bay thấp, thời gian sẵn sàng phóng giảm từ 8 giây xuống chỉ còn 3 giây.

Tuy sức cơ động không được cải thiện nhưng tầm bắn của đạn tên lửa sau nâng cấp đã lên tới 60 km, trần bay 27 km (so với thông số cũ chỉ là 45 km và 25 km), đầu đạn phân mảnh nặng 195 kg khi nổ tạo ra khoảng 29.000 mảnh văng có phạm vi sát thương lên đến 65 m ở độ cao thấp hoặc 250 m ở độ cao lớn, xác xuất tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 50 km đạt 65 - 98%.

S-75 Việt Nam đã có năng lực tác chiến vượt trội - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa phòng không S-75M3 Volga-2

Như vậy khác với trường hợp nâng cấp S-125 Pechora (SA-3) lên chuẩn S-125-2TM (Pechora-2TM) do Công ty Tetraedr của Belarus thực hiện được giới thiệu rộng rãi trên báo chí, cho đến lúc này vẫn không có bất cứ thông tin nào liên quan đến thời gian cũng như đối tác đã hiện đại hóa các hệ thống S-75 Volga cho Việt Nam.

Nhờ việc áp dụng một số công nghệ của S-300, có thể dự đoán rằng các tổ hợp S-75 của Việt Nam đã có khả năng liên kết với hệ thống tên lửa phòng không tầm xa tối tân này trong mạng lưới hợp nhất, ví dụ như nhận tham số từ radar cảnh báo sớm, hay thậm chí là được đài radar điều khiển hỏa lực của S-300 dẫn bắn.

Tầm bắn lên tới 60 km của đạn V-750 sẽ đảm bảo lấp khoảng trống chiến thuật giữa đạn 48N6E1/E2 của S-300 (tầm bắn 150 - 200 km) với đạn V-600 của S-125-2TM, và Python-5 MR cùng với Derby MR của SPYDER-MR (tầm bắn 35 km).

S-75 Việt Nam đã có năng lực tác chiến vượt trội - Ảnh 2.

Chiến sĩ Tiểu đoàn 66 thực hành tháo, nạp đạn tên lửa của tổ hợp S-75M3 Volga-2 tại trận địa Phước Tường

Thời gian qua đã có nhận định rằng sau khi tiếp nhận các tổ hợp SPYDER-MR hiện đại, Việt Nam sẽ sớm cho S-75 được "nghỉ hưu". Nhưng dễ nhận thấy khi rút Volga-2 khỏi biên chế chiến đấu thì mạng lưới phòng không Việt Nam sẽ bị khuyết mất tầm trung - xa, nếu sử dụng đạn 48N6E1/E2 của S-300 để đảm trách thay thì sẽ là sự lãng phí quá lớn.

Chính vì vậy, có lẽ phải đến khi Việt Nam đặt mua hệ thống Buk-M3 tiên tiến có tầm bắn 70 km (hay chí ít là Buk-M2) thì S-75M3 Volga-2 mới yên tâm "nhận sổ hưu". Còn hiện tại nó vẫn là thành phần vô cùng quan trọng tạo lập nên lưới lửa phòng không nhiều tầng nhiều lớp, giúp bảo vệ vững chắc bầu trời tổ quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại