1. Suốt vài ngày qua, trên mạng xã hội chỉ thấy chửi. Chửi những ô vuông, chửi quyển sách, chửi cách đánh vần, chửi đường dây gái mại dâm nghìn USD... Cứ mỗi khi xuất hiện một chủ đề được nhiều người quan tâm là y như rằng trên mạng chỉ thấy… chửi.
Người thì chửi thẳng, chửi tục, người ý tứ hơn thì chửi kiểu "mát mẻ". Đến những người chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra cũng share lấy share để những bài chửi. Nhu cầu được "trôi" theo dòng chảy sự kiện của cư dân mạng là rất lớn.
Nhiều người lấy câu chửi để mở đầu cho những bài chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh minh họa
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không có ý định bàn về chuyện đúng - sai của những thứ đang bị dân mạng chửi. Nó có thể đúng, có thể sai, tùy quan điểm và cách nhìn nhận của mỗi người. Điều chúng ta cần bàn tới là văn hóa ứng xử của dân mạng trước những vấn đề thu hút số đông và gây tranh cãi.
Trên mạng khoảng vài tuần trước lan truyền bức ảnh một bé gái đang đứng trên xe bus. Do chỉ đi hành trình rất ngắn nên cô bé muốn đứng để tiện xuống xe, bất chấp có rất nhiều người ngỏ ý nhường chỗ cho bé ngồi.
Mọi chuyện trở nên phức tạp khi một dân mạng bước lên xe. Anh ta thấy cảnh một bé gái phải đứng trên xe bus trong khi đó những cô, bác khỏe mạnh lại ngồi một cách vô cảm.
Cảnh tượng được chụp lại, tung lên Facebook và cư dân mạng bắt đầu chửi.
Đây dường như là một mô típ vô cùng quen thuộc của dân mạng Việt. Chẳng cần biết phía sau câu chuyện có uẩn khúc gì, cứ chửi trước đã.
Các nhà khoa học chứng minh rằng: Con người sẽ chỉ nhìn thấy những gì họ muốn nhìn và nghĩ theo cách họ muốn nghĩ.
Lấy ví dụ là anh chàng dùng mạng bước lên chiếc xe bus kia. Do đã sẵn tâm lý mệt mỏi vì cuộc sống, chán nản vì giao thông nên anh ta có xu hướng nhìn thấy những mảng màu xám của cuộc sống.
Ngược lại một thanh niên khác bước lên xe trong tâm trạng vui mừng vì được sếp tăng lương hoặc vừa được crush nhận tin tỏ tình, tự khắc góc nhìn của anh ta sẽ khác.
Chửi bới khi chia sẻ thông tin không "khoác" cho bạn cái mác hiểu biết đâu!
Cách ứng xử trên mạng xã hội của nhóm người được gọi là netizens (cư dân mạng) vận hành theo đúng cách thức này. Số đông đã sẵn tâm lý dồn nén, chán nản, mệt mỏi nên họ có xu hướng đi tìm những thông tin thiếu tích cực để chửi bới.
Nhóm này giống như một loại virus lây lan. Họ truyền ra bầu không khí tâm lý số đông, khiến sự tiêu cực của họ bao trùm lấy tất cả. Đây có thể coi là cách giải thích cho tâm lý của người bố trong đoạn video ghi lại phản ứng của ông khi thấy con nhìn vào những ô vuông vô hồn mà vẫn có thể đọc được bài thơ.
2. Chửi bới đang giống như một căn bệnh dịch lây lan khắp nơi. Từ những ngôi trường cấp 2, cấp 3 tới giảng đường đại học, tổ chức, cơ quan… đi đâu cũng nghe văng vẳng những tiếng chửi bới tục tĩu.
Số đông đã tự hình thành phản xạ "câu chửi đi trước" như một quy tắc ứng xử với tất cả mọi việc.
Vậy nên đừng thắc mắc khi những miếng mồi béo bở của cư dân mạng trong thời gian gần đây như "đánh vần ô vuông", "gái mại dâm nghìn USD"… được chia sẻ kèm với rất nhiều những câu chửi bới.
Nhiều người tỏ ra bức xúc một cách thái quá với cách đánh vần ô vuông gây xôn xao trên mạng xã hội những ngày qua
Họ không hiểu rằng: Khi bạn cất tiếng chửi có nghĩa là bạn đã tự đánh mất đi quyền được biết ngọn ngành thông tin và cả quyền tranh luận của mình. Dĩ nhiên rồi, chẳng ai lại tận tâm giải thích cho những kẻ ưu tiên... chửi bới.
Lâu dần, những thành phần chuyên chửi bới trên mạng (đang chiếm một số lượng rất đông) sẽ trở nên lệch lạc trong suy nghĩ và thiếu cầu thị ngay cả khi họ biết mười mươi mình đã sai. Việc từ chối tiếp nhận kiến thức sẽ khiến bạn ngày càng trở nên ấu trĩ, lạc hậu và kém cỏi.
Vậy nên, những kẻ đang ngày ngày chửi bới trên mạng xã hội, hãy thay đổi khi xã hội còn đang chờ bạn thay đổi. Chửi bới không chứng tỏ bạn quan tâm tới sự kiện đó mà chỉ chứng minh nền tảng văn hóa của bạn là quá thấp để nhận được sự giải thích mà thôi.