Ngày 24/10, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành. Trong đó, NHNN đã ban hành Quyết định số 1812/QĐ-NHNN ngày 24 tháng 10 năm 2022 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại TCTD theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014.
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ mức 0,5%/năm lên 1,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Trước đó, đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, NHNN đã tăng từ 0,2% lên 0,5%/năm từ ngày 23/9. Như vậy, chỉ sau hơn 1 tháng, trần lãi suất đối với loại tiền gửi này đã tăng tới 0,8%, và tính theo lần thì mức tăng là gấp 5 lần.
Tiền gửi không kỳ hạn là loại hình tiết kiệm không quy định về thời gian tiền gửi cũng như số dư ấn định trong tài khoản. Khách hàng của tiền gửi không kỳ hạn chủ yếu là những người cần nhờ ngân hàng bảo quản thay số tiền và sẽ rút trong tương lai gần ngay khi có nhu cầu sử dụng mà không cần thông báo trước với ngân hàng. Tiền gửi không kỳ hạn cũng còn được gọi là tiền gửi thanh toán.
Lãi tiền gửi không kỳ hạn thường được trả hàng tháng thay vì cuối hạn kỳ tiết kiệm như tiền gửi có kỳ hạn. Ví dụ với số dư 1 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn, lãi suất tối đa 1%/năm thì khách hàng được nhận 833 nghìn đồng trong tháng đó. Còn với số tiền 100 triệu đồng thì số tiền nhận được là hơn 83 nghìn đồng/tháng và khoảng 1 triệu đồng/năm.
Lãi suất không kỳ hạn cũng được áp dụng cho các khoản tiền rút trước hạn một phần. Ví dụ, khách hàng gửi tiết kiệm 3 tỷ đồng với kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 8%/năm. Mới gửi được 12 tháng nhưng khách hàng này muốn rút trước hạn 1 tỷ đồng, thì số tiền này sẽ được hưởng lãi suất không kỳ hạn (trước đây đối đa 0,2%/năm thì hiện tại tối đa 1%/năm).
Như vậy, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tăng mạnh sẽ giúp người gửi tiền (cả có kỳ hạn hay không kỳ hạn) đều có lợi hơn so với trước.
Mặc dù NHNN tăng trần lãi suất không kỳ hạn, nhưng quyết định ở mỗi ngân hàng thương mại sẽ có sự khác biệt. Chẳng hạn sau đợt điều chỉnh ngày 23/9, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất không kỳ hạn lên mức kịch trần 0,5%/năm; nhưng cũng còn nhiều ngân hàng khác như Vietcombank, MB, OCB, VietinBank,…không thay đổi, vẫn niêm yết ở mức 0,1-0,2%/năm.
Trên thực tế, những năm trở lại đây, những ngân hàng lớn hầu hết niêm yết lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ở mức rất thấp 0,1%/năm với ý nghĩa tượng trưng là cứ để tiền trong ngân hàng thì đều có lãi. Thay vì chạy đua lãi suất đối với loại tiền gửi này, các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư công nghệ để mang đến trải nghiệm vượt trội trên kênh số, từ đó duy trì sức cạnh tranh để thu hút người dùng.
Tuy nhiên, đó là trong bối cảnh trần lãi suất huy động của loại tiền gửi này ở mức thấp chỉ 0,2%/năm trong giai đoạn 2020-2021. Còn hiện nay, trần lãi suất này đã tăng lên 1%/năm, tức sẽ có sự chênh lệch không nhỏ giữa các ngân hàng, từ đó có thể ảnh hưởng tới quyết định của khách hàng khi sử dụng ngân hàng nào để giao dịch.